Phát biểu của PGS.TS. Trần Đức Quý - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng ĐHCNHN về vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng đối với các trường thực hiện tự chủ ĐH
PGS.TS Trần Đức Quý, Bí thư Đảng ủy,
Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
1. Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới và tự chủ đại học
Tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập là một trong những vấn đề có tính cấp bách hiện nay, giải quyết được vấn đề này sẽ giúp đổi mới quản trị đại học, đổi mới phương thức quản lý của Nhà nước đối với giáo dục đại học.
Để hoàn thành nhiệm vụ, sứ mạng khi thực hiện tự chủ, các trường đại học cần rất nhiều điều kiện, trong đó 3 vấn đề cốt lõi làm nên thành công đó là: nhân lực, tài chính và cơ chế quản lý. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trước yêu cầu của giáo dục toàn cầu, để các trường đại học có bước phát triển đột phá, thì chủ trương đổi mới và cơ chế quản trị đại học phù hợp, tạo nguồn lực cho các trường đại học phát triển là rất quan trọng, nó quyết định sự phát triển và thành công của các trường đại học và nền giáo dục đại học Việt Nam.
Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, đầu tư cho giáo dục đại học, đặc biệt đổi mới quản trị và thực hiện tự chủ đại học.
Ngay từ năm 1996, Đảng đã có Nghị quyết Trung ương 2, khóa VIII “Về định hướng chiến lược phát triển giáo dục-đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000” trong đó khẳng định “Thực hiện các chính sách ưu tiên ưu đãi đối với giáo dục - đào tạo, đặc biệt là chính sách đầu tư và chính sách tiền lương. Có các giải pháp mạnh mẽ để phát triển giáo dục”.
Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã Ban hành Điều lệ trường đại học, trong đó quy định “trường đại học được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động đào tạo, khoa học, công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế, tổ chức và nhân sự”
Luật Giáo dục (năm 2005) đã đề cập đến việc thực hiện phân công, phân cấp quản lý giáo dục, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục.
Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020 cũng khẳng định tầm quan trọng của việc hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục đại học theo hướng bảo đảm quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của cơ sở giáo dục đại học.
Nghị quyết số 29-NQ/TW (năm 2013) của Trung ương Đảng, khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo….”, vấn đề tự chủ đại học tiếp tục được khẳng định.
Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2017 tiếp tục nhấn mạnh việc thực hiện chuyển đổi hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hạch toán như doanh nghiệp…
Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015-2020 khẳng định mục tiêu: Xây dựng Thủ đô thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu hàng đầu của cả nước về giáo dục, đào tạo… tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo; phấn đấu đến năm 2025 giáo dục Thủ đô đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
Nghị quyết đại hội Đảng bộ Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020 khẳng định mục tiêu: Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trải qua các kỳ đại hội IX, X, XI, XII của Đảng đều khẳng định chủ trương đổi mới giáo dục trong đó có chú trọng cơ chế thực hiện tự chủ trong giáo dục đào tạo. Năm 2018, Quốc hội ban hành Luật số 34/2018/QH14, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH), tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tiếp tục thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng GDĐH, thực hiện hội nhập quốc tế và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao.
Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học, chủ động trong đổi mới mô hình, phương thức hoạt động. Dù chưa có trường đại học nào thực sự nổi lên như một điển hình về thành công khi thực hiện tự chủ, nhưng bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, mở ra hướng phát triển mới cho giáo dục đại học trong tương lai.
Thực tiễn đã khẳng định, vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi trong chủ trương đổi mới, phát triển giáo dục đại học Việt Nam, đã được thể hiện đầy đủ, sâu sắc trong các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.
2. Những khó khăn, thách thức khi tự chủ đại học
Tự chủ đại học đã tạo ra bước ngoặt lớn cho các cơ sở giáo dục đại học, là cơ hội để các trường phát triển, đặc biệt là những cơ sở có nội lực và tổ chức Đảng và ban lãnh đạo có tầm nhìn, tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong quá trình lãnh đạo đơn vị. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra:
Thứ nhất, hiện nay hệ thống văn bản pháp lý còn chưa đồng bộ, nhiều quy định chưa kịp thay đổi để phù hợp với chủ trương tự chủ đại học. Dưới góc độ quản lý, các trường đại học công lập còn thiếu hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan quản lý nhà nước nên các trường lúng túng, gặp khó khăn trong việc triển khai các hoạt động, ví dụ:
- Trong phương thức lãnh đạo: Mối quan hệ giữa Đảng ủy- HĐT- BGH trong quá trình lãnh đạo, quản lý (tính hiệu lực giữa Nghị quyết Đảng ủy- Nghị quyết của HĐT- Quyết định của BGH); chế độ trách nhiệm của Bí thư- CTHĐT- HT trong quá trình quản lý chưa được phân định rõ dẫn đến thực tế triển khai thực hiện các hoạt động còn gặp khó khăn.
- Trong chủ trương phát triển hội nhập quốc tế: Đối với trường ĐH, theo thông lệ quốc tế, việc tuyển dụng nhân sự sẽ ở phạm vi toàn cầu, không phân biệt quốc tịch. Trong khi Luật Giáo dục chưa quy định rõ ràng về điều này, chuyên gia nước ngoài xin giấy phép lao động ở Việt Nam rất khó, vấn đề hợp đồng lao động, quy trình thực hiện chưa có hướng dẫn rõ ràng; đặc biệt là mức chi phí tài chính còn nhiều vướng mắc do chưa có hướng dẫn, dẫn đến việc các trường mời Giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia giỏi của nước ngoài làm việc rất khó khăn.
- Trong tuyển dụng, bố trí, sử dụng, đãi ngộ cán bộ, giảng viên về lý thuyết là trường được quyền quyết định nhưng thực tế một số lĩnh vực như chế độ đãi ngộ, lương, bổ nhiệm ngạch,…chưa thực hiện được vì cán bộ, giảng viên trong trường công lập đều là viên chức nhà nước nên mọi điều chỉnh, quyết định đều phải thực hiện theo pháp luật đối với viên chức.
-Trong tài chính: Cùng là học phí, đối với trường tư thì học phí được coi là nguồn thu, còn đối với trường công thì học phí coi là ngân sách, mà khi sử dụng ngân sách thì phải thực hiện theo Luật Ngân sách, nên các trường công gặp khó khăn trong việc sử dụng nguồn tài chính này vào các hoạt động của trường do những thủ tục, quy trình trong Luật Ngân sách nhà nước. Mức độ tự quyết trong trường hợp này phụ thuộc vào sự phân cấp của Bộ chủ quản và các Bộ liên quan đối với trường đại học.
Thứ hai, quyền tự chủ của trường đại học đã được thừa nhận nhưng chưa tạo ra chuyển biến đáng kể, ngoài việc do những vướng mắc về cơ chế, thì một phần quan trọng khác là do tư duy cũ vẫn níu kéo, một số trường chưa đủ điều kiện và thiếu sự sẵn sàng, ngại đổi mới; chưa mạnh dạn thực thi tự chủ, vẫn mang tâm lý thói quen phụ thuộc nhiều vào sự quản lý của Nhà nước; chưa xác định rõ giáo dục đại học là dịch vụ công, có sự cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo cả trong và ngoài công lập, trong nước và ngoài nước, cũng như nhu cầu, đòi hỏi của thị trường lao động. Tư duy bao cấp vẫn còn tồn tại trong nhiều cán bộ, viên chức, tư tưởng biên chế suốt đời, thu nhập dựa vào ngân sách Nhà nước; một số cán bộ chưa tự tin đương đầu với thách thức tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tự quyết định thành quả lao động theo chất lượng và hiệu quả hoạt động của mình.
Thứ ba, khi tự chủ, tất yếu đòi hỏi phải có sự đổi mới cả về phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng, cơ chế quản trị đại học. Nhưng do hạn chế về nguồn lực, về điều kiện đảm bảo chất lượng và hội nhập quốc tế nên trong lãnh đạo chủ yếu còn tập trung về nhiệm vụ chuyên môn (chủ yếu lo cho học thuật và thu nhập), chưa chú trọng công tác tư tưởng và vai trò của các tổ chức đoàn thể trong phát triển của đơn vị, trong khi trường đại học là một xã hội thu nhỏ, ở đó, người học, người lao động cần được quan tâm toàn diện và hệ thống chính trị trong trường đại học thống nhất, đoàn kết, có năng lực lãnh đạo, quản lý là điều kiện quan trọng cho sự phát triển bền vững của các trường. Đây là thách thức lớn cho các trường đại học trước yêu cầu đổi mới mạnh mẽ hiện nay.
Thứ tư, nhận thức về dân chủ, trách nhiệm thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong các trường đại học còn chưa được quan tâm đúng mức đặc biệt là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến cán bộ, viên chức và học viên sinh viên; chưa xác định thực hiện dân chủ là cốt lõi trong đổi mới giáo dục, chưa phát huy quyền làm chủ và huy động tiềm năng trí tuệ của tập thể cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên; chưa làm rõ cho người lao động và người học về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với nhà trường, trách nhiệm xã hội. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất dân chủ, lợi dụng dân chủ ở một số trường học, dẫn đến đơn thư khiếu kiện vượt cấp, tác động tiêu cực đến môi trường văn hóa sư phạm, gây tâm lý không tốt trong phụ huynh và xã hội.
Thứ năm, khi tự chủ, công tác quản trị nhà trường thay đổi, tuy nhiên nhiều trường chưa xác định rõ được vai trò lãnh đạo của Đảng, của Hội đồng trường, của Ban Giám hiệu, dẫn đến lúng túng trong quản lý, điều hành, hiệu quả hoạt động bị ảnh hưởng.
Những thách thức trên đòi hỏi các tổ chức Đảng trong các trường đại học phải đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám đổi mới, nhận thức đầy đủ về vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, đặc biệt trong vai trò gương mẫu và trách nhiệm của người đảng viên, của cấp ủy; xây dựng chương trình hành động cụ thể cho mục tiêu, chiến lược phát triển đại học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
3. Một số vấn đề rút ra từ hoạt động thực tiễn
- Chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước điều chỉnh hoạt động của trường đại học đã và đang được triển khai, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, đổi mới, hội nhập thành công vẫn còn một số bất cập: hệ thống pháp luật chưa thống nhất và đồng bộ, đặc biệt là các luật chuyên ngành. Thực tiễn đã khẳng định: Vai trò lãnh đạo của Đảng trong các trường đại học là quyết định, Đảng giữ vai trò lãnh đạo toàn diện các hoạt động, đặc biệt là công tác tổ chức, cán bộ. Sự đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo của Đảng, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu sẽ quyết định thành công và phát triển của trường đại học.
- Công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí cán bộ lãnh đạo của các trường đại học rất quan trọng, quyết định sự phát triển và thành công của các trường. Hiện nay, chủ trương nhất thể hóa chức danh Bí thư đảng ủy và Hiệu trưởng được triển khai và thực hiện hiệu quả từ nhiều năm. Tuy nhiên, theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW, định hướng Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường và đặc biệt Nghị định số 99/2019/NĐ- CP hướng dẫn thực hiện luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 yêu cầu các trường thực hiện thống nhất từ tháng 8/2020. Hiện nay đã có một số trường đủ điều kiện đáp ứng thực hiện mô hình Chủ tịch HĐT kiêm Bí thư nhưng phần lớn các trường chưa thực hiện được, bởi còn phụ thuộc vào nguồn cán bộ và điều kiện thực tiễn từng trường; trong giai đoạn này, các trường sẽ lựa chọn 1 trong 2 phương án kiêm nhiệm trên để đảm bảo đoàn kết và hoạt động hiệu quả của đơn vị.
- Chủ trương của Đảng về tự chủ đại học đã được khẳng định rõ ràng, xuyên suốt và đó là chủ trương đúng đắn, cần thiết trong đổi mới giáo dục đại học; Các trường cũng đã nhận thức được thuận lợi và mong muốn thực hiện thành công chủ trương quan trọng này, nhưng thực tiễn hiện nay các trường với nguồn lực hạn chế, mới đang trong giai đoạn thí điểm, chưa xuất hiện trường điển hình về sự thành công toàn diện trong tự chủ để các trường học tập, đối sánh. Một trong những nguyên nhân là do chính sách chưa đồng bộ, chưa có hệ thống văn bản hướng dẫn cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Do đó công cuộc đổi mới với mục tiêu thực hiện tự chủ đại học thời gian qua diễn ra còn chậm.
4. Kiến nghị và đề xuất
(1) Đảng ủy các trường Đại học, Cao đẳng, xuất phát từ đặc thù của mình, cần mạnh dạn tạo đột phá, đổi mới phương thức lãnh đạo; thay đổi tư duy quản trị đại học, phát huy dân chủ, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị của nhà trường, đặc biệt phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện, hạt nhân của cấp ủy đảng trong hệ thống chính trị.
(2) Đảng ủy Khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội là tổ chức lãnh đạo hơn 70 trường đại học cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội cần tổ chức các hội thảo chuyên đề, tổng kết kinh nghiệm thực tế hoạt động của các trường làm cơ sở lý luận và thực tiễn kiến nghị các cơ quan Đảng, Ban cán sự Đảng các Bộ, nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc cho các trường.
Đảng ủy Khối tổ chức tổng kết thực tiễn phương thức lãnh đạo của Đảng, nghiên cứu mô hình hoạt động của các trường, đặc biệt là mối quan hệ giữa Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu để có sự lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với thực tế; Nghiên cứu cải tiến mô hình hoạt động của Đảng ủy Khối trong điều kiện không có cơ quan chính quyền cùng cấp, đang trực tiếp quản lý số lượng đảng viên rất lớn, trong đó, đa số đảng viên là trí thức có trình độ cao, từ đó làm cơ sở đề nghị Thành ủy quyết định mô hình lãnh đạo phù hợp.
(3) Đề nghị Thành ủy Hà Nội quan tâm đầu tư, hỗ trợ các cơ sở giáo dục đào tạo đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố về quy hoạch địa giới, xây dựng cảnh quan, kiến trúc, đảm bảo sự hài hòa thống nhất về cảnh quan đô thị mang bản sắc của Thủ đô. Đề nghị thành phố hỗ trợ chọn đầu tư trọng điểm cho giáo dục đại học một số lĩnh vực mũi nhọn về nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ, đào tạo phát triển nhân lực trình độ cao theo cơ chế đặt hàng…; Tạo cơ hội cho các trường mở rộng hợp tác với doanh nghiệp, tạo sự liên kết giữa người lao động, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo.
Mô hình đại học tự chủ là phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng trong các trường đại học, cao đẳng đã được khẳng định thông qua thực tiễn đổi mới. Mặc dù còn nhiều thách thức nhưng với những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đổi mới giáo dục đào tạo đã mang đến những thành công ban đầu cho giáo dục đại học Việt Nam. Chưa bao giờ giáo dục đại học Việt Nam đứng trước những thách thức, những cơ hội và có vai trò lớn như hiện nay; nhu cầu về đổi mới của giáo dục đại học phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập. Các trường đại học tin tưởng vào sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, của Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội, trong nhiệm kỳ 2020-2025, các trường đại học, cao đẳng thủ đô sẽ thực hiện thắng lợi 2 mục tiêu là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đủ sức đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế xã hội của đất nước, thủ đô và đủ trình độ, tri thức để hội nhập thế giới.
(Tham luận tại đại hội Đảng bộ Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội lần thứ III,
Nhiệm kỳ 2020 - 2025/ tháng 8 năm 2020)