[nhandan] Thách thức lớn nhất là phát huy văn hóa và tiềm lực con người
Tiến sĩ Trần Trọng Dương (sinh năm 1980) nhiều năm nay đã trở thành gương mặt nhà nghiên cứu cổ sử và hoạt động văn hóa dày dặn với nhiều công trình nghiên cứu Hán Nôm cũng như đóng góp cho bảo tồn di sản. Anh hiện công tác tại Khoa Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, Trường Ngoại ngữ- Du lịch thuộc Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Là một người sinh ra lớn lên ở vùng ngoại thành giàu văn hoá của Hà Nội, gia đình nhiều đời gắn bó với Thủ đô, Trần Trọng Dương có những chia sẻ, kiến giải thú vị về văn hóa Hà Nội dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô Hà Nội.
"Sự quá coi trọng khoa kỹ, mà bỏ lơ vấn đề nhân văn, chỉ khiến chúng ta, dù có ở nhà lầu, đi xe hơi, trượt lướt Iphone, thì vẫn chỉ là những kẻ đói khát, tha hương ngay trên mảnh đất ngàn năm văn vật".
Phóng viên: Anh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội và gia đình cũng có nhiều người gắn bó với Thủ đô. Những nét lớn nào trong chất văn hoá của Hà Nội còn lưu dấu đậm nét trong anh?
TS Trần Trọng Dương: Cái gọi là “chất văn hóa của Hà Nội” là một thứ gì đó rất linh động, khó nắm bắt. Cái chất ấy nó “phi lõi”, hoặc “rất nhiều lõi”, với rất nhiều lớp. Hà Nội trong tôi là Hà Nội làng quê, Hà Nội thanh bình, với sông nước ngoại ô, những buổi tắm mưa trên ao cá, những buổi bơi trộm trên sông đỏ thắm phù sa, với những lần ăn trộm trái cây chấm muối hoa muối hột,… Đều là dân, đều là trẻ con, đều phải học hành và làm lụng, cơm nước. Nhà tôi là gia đình cán bộ, nhưng lao động cũng chẳng khác gì bà con nông dân, cũng chăn bò, trồng trọt. Và thi thoảng được tận hưởng ra phố, “vào Hà Nội”, với mấy ổ bánh mỳ, hay húp bát phở Bao ở ngã tư Cầu Giấy. Đó là một Hà Nội nghèo, thanh bần, thanh sạch của những năm 1980-1990. Đó cũng là một Hà Nội không có ý niệm gì về Hà Nội, hay người Hà Nội, ai cũng như nhau.
Cái gọi là “chất văn hóa của Hà Nội” là một thứ gì đó rất linh động, khó nắm bắt.
Phóng viên: Vậy từ khi nào anh chính thức quan tâm tới câu chuyện gia đình mình gắn với lịch sử văn hoá Hà Nội như một góc nhìn của nhà nghiên cứu?
TS Trần Trọng Dương: Tôi thực sự có ý niệm về Hà Nội khi vào đại học. Ở đó, lần đầu tôi được gặp gỡ những bạn bè đến từ khắp nơi đổ về. Từ Nghệ An, Thanh Hóa cho đến Lào Cai, Tuyên Quang. Các bạn thu mình trong cái khái niệm “ngoại tỉnh” và vạch ra một ranh giới vô hình với những người được gọi là Hà Nội (dù là chầu rìa, ngoại ô) như tôi. Nhưng thực sự là cái chất mình không quan tâm đến việc người khác nghĩ gì, mình cứ sống chan hòa với bạn bè, không nghĩ suy, cũng chẳng toan tính, giúp được ai thì giúp, chơi với ai thì chơi. Sau này nghĩ lại, thấy nhà mình, họ hàng mình đều ở Hà Nội, lại còn biết thêm làng quê mình (dù là quê ngoại) cũng ở tận nội đô, thì điều đó chỉ làm cho mình tò mò về lịch sử gia đình mình.
Mẹ tôi thì gốc Hà Nội, nhưng sinh ra ở Thái Nguyên, lớn lên ở Lạng Sơn, định cư và công tác ở Hà Nội. Cái chất Hà Nội của mẹ tôi là cái chất công nhân viên chức, sống chan hòa, và ăn mặc vô cùng giản dị, giản dị đến mức mà chỉ thích mặc quần áo cũ, mẹ bảo vì quần áo cũ có quen với cơ thể mình. Tôi cũng bị lây cái tính ấy của mẹ, hôm qua tôi cũng phát hiện bố tôi cũng mặc như mẹ tôi. Buồn cười thật.
Còn bà ngoại tôi, có thể gọi là gái Hà Nội gốc. Thuở nhỏ, bà sống ở một biệt thự Pháp ở hồ Trúc Bạch. Con gái Tràng An thuở ấy có tiếng là thanh lịch, được học tiếng Pháp, và học trường Pháp. Thế mà bà theo cách mạng từ tiền khởi nghĩa. Năm 1946, Hà Nội rực lửa. Cụ tôi đốt cả căn biệt thự lên chiến khu, bao của nả quăng xuống đáy hồ. Cụ bà tôi mất vì sốc trước cảnh nước mất nhà tan. Còn cụ ông, dù học Pháp, nhưng vẫn có chất nhà Nho, cụ lên chiến khu, vừa nhặt lá thông, kiếm củi vừa làm thơ để chiêm nghiệm cuộc sống.
Phóng viên: Lịch sử của gia đình, dòng họ thực sự là một “mảnh vi sử của dân tộc”. Văn hoá gia đình hẳn là có ảnh hưởng đến con đường học thuật của anh?
TS Trần Trọng Dương: Bố mẹ tôi đều là cán bộ nghiên cứu. Tôi nhớ hồi bé, khi tôi còn vài tuổi, bố thường “đi điểm” tận Ba Vì, đôi tuần mới về. Tôi chẳng biết “đi điểm” là gì. Sau mãi mới biết, đó là xuống trại làm thí nghiệm. Khoảng năm 1987, bố tôi bảo vệ Tiến sĩ, tôi cứ ấn tượng mãi là cả nhà kín các bảng biểu (vẽ theo kiểu bích báo treo tường). Bố và một bác hàng xóm lụi cụi viết chữ, vẽ các bảng biểu bằng các loại mực màu. Tôi trẻ con chả biết gì, chỉ lăng xăng ngắm nghía. Sau, bố mua hẳn một con bò sữa về nhà để chăn (như tôi biết đó gần như là con bò sữa đầu tiên ở Việt Nam được nuôi theo hộ gia đình).
Phóng viên: Thật thú vị quá! Một Hà Nội gian khó, lãng mạn một thời. Chúng ta luôn phải đi giữa cuộc sống đời thường và những giấc mơ học thuật thì phải… Hình như tôi nhớ, anh có câu thơ đại ý nói về điều này khi nói nhắc tới đứa con nhỏ trong bụng mẹ: “Tiếng con đạp tha thiết/ Như tiếng gọi cuộc đời”?
TS Trần Trọng Dương: Vâng, nhân câu chị hỏi thì tôi xin kể tiếp chuyện đang dở bên trên. Con bò sữa khi đó được trả mức giá khoảng 10 triệu, tương đương với một mảnh đất. Khách hẹn sáng hôm sau đến bắt, thì đêm hôm đó nó lăn quay ra chết. Mất trắng! Cả nhà thẫn thờ. Tự đầu tư nghiên cứu và thực nghiệm, nó có cái rủi ro của nó. Nhưng không nản, sau nhà tôi còn nuôi được nhiều lứa bò sữa khác nữa. Tôi chăn bò từ bé là vì thế. Cái việc yêu nghề tôi học được từ bố tôi, và không bao giờ bỏ cuộc. Vì thế, hồi 2010, khi đang chờ bảo vệ luận án tiến sĩ, lại nhân lúc ốm, vợ thất nghiệp, chờ sinh con, tôi mới soạn cuốn “Nguyễn Trãi quốc âm từ điển”. Cuốn này vợ tôi giúp làm phiếu cấp một, mười tháng liền “thai giáo” bằng cách soạn từ điển nên khi in sách tôi mới có bài thơ đề ở đầu sách:
“Ta bệnh vợ thất nghiệp
Thanh nhàn viết sách chơi.
Tiếng con đạp trong bụng
Như tiếng gọi cuộc đời”.
Phóng viên: Chúng ta thường nhắc nhiều đến “thanh lịch Tràng An” khi nói về Hà Nội. Nhiều năm nay thì thành phố có chương trình “Xây dựng Người Hà nội thanh lịch, văn minh”. Từ góc nhìn của nhà nghiên cứu, anh có thể chia sẻ với bạn đọc cơ chế lịch sử văn hoá nào trong suốt chiều dài lịch sử khiến Hà Nội hình thành cũng như đến nay vẫn tôn vinh nét văn hoá có tính biểu tượng này?
TS Trần Trọng Dương: “Thanh lịch” là một từ khá mới trong lịch sử tiếng Việt cả ngàn năm. Ngữ liệu sớm nhất xuất hiện trong thơ của Phạm Thái đầu thế kỷ XIX “chiều thanh lịch”. Xét theo nghĩa từ nguyên, “lịch” là “từng trải” như trong từ “lịch duyệt”, lịch lãm”, “lịch sự” (trải việc) tức là chỉ người vừa học rộng hiểu nhiều, vừa có kinh nghiệm cuộc sống. Còn chữ “thanh” là chỉ dáng vẻ bề ngoài vừa nhã, vừa trông có vẻ có học, được thể hiện qua trang phục mũ mạo, tóc tai. Từ điển Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Của (1895, tr.983) ghi: “thanh lịch: xinh tốt, đẹp đẽ, lịch sự, diễn dẵn, dịu dàng không kịch”. Việt Nam tự điển (1932) ghi: “thanh lịch: thanh nhã lịch sự”.
Như vậy, có lẽ cái chữ thanh lịch ban đầu dùng để chỉ cách ăn mặc đẹp (theo phong tục tập quán), lối sống, lối cư xử theo nghi lễ (ít nhiều có ảnh hưởng từ tầng lớp Nho sĩ), để từ đó dân gian khái quát thành câu ca dao “không thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Cái chữ “Tràng An” được dùng để chỉ Thăng Long- Hà Nội đây, cũng là để trỏ cái chất của con người đất kinh kỳ-kẻ chợ được tích lũy trong suốt cả chiều dài lịch sử.
Cái cơ chế để mã văn hóa này luôn tồn tại trong con người Thăng Long- Hà Nội, không gì khác đó là cơ chế “hội tụ tinh hoa” của mảnh đất “đế đô”.
Nhưng đọc qua các tư liệu đầu thế kỷ XX, ta thấy một lớp văn hóa mới đang bổ sung vào nội hàm của hai chữ “thanh lịch” kia. Đó là lớp văn hóa Pháp với chất elegant mang đậm chất Tây phương hiện đại. Nó làm ta nhớ đến những hình ảnh trí thức vừa Tây học ngời ngời, vừa tài hoa lại vừa lãng mạn kiểu Pháp như Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng. Nguyễn Đình Thi khi rút khỏi Hà thành khói lửa, vẫn còn thảng thốt nhớ đến “những phố dài xao xác hơi may”. Đó là ông nhớ đến một Hà Nội phố theo quy hoạch hiện đại.
Hay như Quang Dũng, khi Tây tiến mà vẫn còn “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Giữa khói lửa đạn bom, giữa sự sống và cái chết, mà người chiến sĩ ấy vẫn mang trong mình cái chất thi sĩ của chủ nghĩa lãng mạn. Vậy thì cái chất “thanh lịch” kia, mang trong mình cái chất của trí thức mộng mơ, vừa là văn minh đấy, lịch lãm đấy, nhưng cũng đầy chất trữ tình, chất văn chương. Và nếu nhớ đến câu thơ của Trần Nguyên Đán “Tướng võ, quan hầu đều biết chữ. Thợ thuyền, thư lại cũng hay thơ”, thì ta thấy rõ cái chất “trí thức”, “văn minh” đã thấm đẫm từ thời Lý Trần, nối mạch từ Nho phong mà vắt sang cả thời “mưa Âu gió Á”.
Vậy thì cái cơ chế để mã văn hóa này luôn tồn tại trong con người Thăng Long- Hà Nội, không gì khác đó là cơ chế “hội tụ tinh hoa” của mảnh đất “đế đô”. Hay nói như một nhà sử học nào đó, Thăng Long- Hà Nội là nơi tụ thủy, tụ nhân. Linh thiêng hào hoa là phải, mà nói rằng đó cũng là nơi “lắng hồn núi sông” thì lại càng phải lắm. Thanh lịch chỉ là một phần trong nếp người, còn linh thiêng sông núi mới là phần cốt lõi.
Phóng viên: Cảm ơn những kiến giải thú vị từ góc nhìn khoa học của anh. Là thế hệ sinh ra, lớn lên trong hoà bình, khi Hà Nội đã đi qua chiến tranh từng được coi là “thành phố của lương tri và phẩm giá con người”, trở thành “thành phố vì hoà bình” và nay là “thành phố sáng tạo”, theo anh những phẩm chất nào của người Hà Nội trong giai đoạn hiện nay cần được đặc biệt quan tâm, vun đắp?
TS Trần Trọng Dương: Hà Nội hơn ba mươi năm nay đang quay theo guồng xoay của cơ chế thị trường, nó phần nào lại hợp với một cái chất khác của Hà Nội xưa: chất kẻ chợ. Đã là chợ, thì tứ xứ bốn phương, ai có hàng thì đến bán, ai có cầu thì đến mua. Quá trình đô thị hóa diễn ra với một tốc độ chóng mặt, chưa từng thấy trong lịch sử.
Và số người được gọi là “Hà Nội gốc” (3-5 đời) giờ chỉ là “thiểu thiểu số” trong thành phố trên dưới mười triệu dân, nên giờ không mấy ai còn quan tâm đến chuyện “Hà Nội gốc”. Người ta gặp nhau chỉ hỏi quê ở đâu, ở tỉnh nào, chẳng còn tự hào cũng chẳng tự ti. Hà Nội quá đông, quá tấp nập, quá ồn ã, quá bươn bả với cuộc sống thường ngày, nên người ta không bàn đến chuyện cá nhân. Thi thoảng họ chỉ muốn tìm đến sự thanh bình, bằng cách về quê (ở mỗi lần lễ tết), hoặc đi “chữa lành” bằng những chuyến du lịch đây đó.
Cái chất của Hà Nội giờ là cái chất của một thành phố công nghiệp, và tiêu dùng. - TS Trần Trọng Dương
Cái chất của Hà Nội giờ là cái chất của một thành phố công nghiệp, và tiêu dùng, Hà Nội đã trở thành một “siêu kẻ chợ” theo cách mới, pha trộn đủ các bản sắc vùng miền, linh thiêng vẫn có, mà văn minh thì vẫn có. Hà Nội muốn tiến tới trở thành một thành phố thông minh, thành phố sáng tạo, thì còn cần phải có nhiều thay đổi nữa. Thay đổi thịt da thì dễ, thay đổi bằng khoa kĩ thì dễ, nhưng thay đổi cái chất con người, cái tư duy hằn trong não bộ thì mới khó.
Hà Nội muốn tiến tới trở thành một thành phố thông minh, thành phố sáng tạo, thì còn cần phải có nhiều thay đổi nữa.
Phóng viên: Quả là nhận ra những biến động của Hà Nội trong các chiều tích cực và thách thức cũng không quá khó. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh thời từng nói đại ý, sự va đập trong quá trình phát triển của Hà Nội là tất yếu để chắt lọc văn hoá, khi vùng đất này là chốn hội tụ các phương. Theo anh, thách thức nào lớn nhất về văn hóa mà Hà Nội đang phải đối diện trong quá trình duy trì vị thế một thành phố văn hiến?
TS Trần Trọng Dương: Hà Nội đương nhiên, trước sau thì vẫn là một thành phố “ngàn năm văn hiến”, đó là di sản mà chúng ta thừa hưởng từ quá khứ lịch sử. Văn hiến theo nghĩa từ nguyên của Nho giáo là “sách vở và người hiền tài”, còn theo nghĩa hiện đại là “tri thức và trí thức”. Hẳn nhiên, Hà Nội là trung tâm hội tụ người tài, đủ các lĩnh vực, từ khoa học công nghệ đến văn học nghệ thuật. Bao nhiêu nhân tài của các vùng miền đều đổ về tụ cư ở đây. Nhưng những nhân tài đổ về không ít chỉ mang khuôn mặt “mưu sinh”, “kiếm sống” hay “làm giàu”, chúng ta cần là cần những nhân tài có khả năng hoạch định những vấn đề viễn kiến cho sự phát triển bền vững của đất nước và cộng đồng. Phát triển kinh tế chỉ nên là một phần, chứ không phải là tất cả. Cao hơn kinh tế đó là văn hóa và văn hiến.
Phát triển kinh tế chỉ nên là một phần, chứ không phải là tất cả. Cao hơn kinh tế đó là văn hóa và văn hiến.
Cái thách thức lớn của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đó là làm sao để phát huy tiềm lực, tiềm lực văn hóa, tiềm lực con người. Sự quá coi trọng khoa kĩ, mà bỏ lơ vấn đề nhân văn, chỉ khiến chúng ta, dù có ở nhà lầu, đi xe hơi, trượt lướt Iphone, thì vẫn chỉ là những kẻ đói khát, tha hương ngay trên mảnh đất ngàn năm văn vật.
Phóng viên: Vậy, là nhà nghiên cứu, anh có điều gì chia sẻ với bạn đọc về những giá trị văn hoá mà Hà Nội có thể phát huy để thực hiện các mục tiêu phát triển công nghiệp văn hoá, phát triển bền vững?
TS Trần Trọng Dương: Muốn hướng đến phát triển bền vừng và phát triển công nghiệp văn hóa, thì chúng ta phải có chiến lược bài bản và có lộ trình cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, cũng như hành lang pháp lý, cơ chế chế tài và một mô hình kinh tế hợp lý. Thí dụ, hiện ta đang có đề án số hóa di sản quốc gia giai đoạn 2021-2030, nhưng thực tế như tôi biết, hiện chúng ta chưa có mô hình quản lý để bảo hộ cho các sản phẩm văn hóa được sáng tạo trên mô hình R&D. Từ chất liệu quá khứ để sáng tạo nên những sản phẩm văn hóa đương đại, có hơi thở thời đại, mà lại phải có tính thương phẩm.
Để một vật phẩm văn hóa trở thành một thương phẩm thì phải có luật bảo hộ, trong khi tình trạng ăn cắp (hoặc nhái) sản phẩm diễn ra trên diện rộng, khiến cho nhiều người cảm thấy nản lòng. Đó là một trong những nguyên nhân kéo lùi sự phát triển, ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo, và cản trở chúng ta tiến tới một nền công nghiệp văn hóa. Không thể nói rằng, một vật phẩm sáng tạo trên chất liệu truyền thống (dù là hiện vật khảo cổ) là thuộc về cộng đồng, thuộc về làng nghề, và không ai có quyền “đăng kí bản quyền” cho các vật phẩm ấy.
Bản thực tế ảo (virtual reality: VR3D) tái lập chùa Một Cột – Diên Hựu thời Lý: virtual freetour 360o cho các hoạt động giáo dục, thuyết minh bảo tàng, thuyết minh du lịch,... có thể truy cập từ mọi nơi trên thế giới.
Phóng viên: Vâng, theo tôi nhớ thì anh đã từng đau đáu với việc số hóa văn hoá và có những công trình nghiên cứu gắn với các giá trị lịch sử văn hoá Hà Nội. Anh có thể chia sẻ dự định nghiên cứu thời gian tới?
TS Trần Trọng Dương: Tôi thì cũng có một số công trình liên quan đến Hà Nội. Ngay từ năm 2013 tôi đã có một cuốn sách nghiên cứu về kiến trúc một cột thời Lý (NXB Hồng Đức). Nghiên cứu này của tôi phản biện rằng: chùa Một Cột không phải là chùa mà là một tháp Phật giáp (stupa) thờ Thích Ca nằm ở trung tâm của chùa Diên Hựu thời Lý năm 1105. Tháp Một Cột không phải là một linga cắm trên yoni (như một số giáo trình và sách vở nói), mà là một ngọn tháp hoa sen, mô phỏng hình dáng của ngọn núi vũ trụ Tu Di nằm trong một tiểu vũ trụ. Nó là một thức kiến trúc đặc sắc và tiêu biểu của Thăng Long thời Lý Trần, và cho đến nay đã trở thành biểu tượng xuyên suốt nghìn năm lịch sử của Hà Nội và Việt Nam.
Năm 2020, với tư cách là Giám đốc nghiên cứu của Sen Heritage, tôi đã cùng các anh em trong nhóm công bố bản phỏng dựng kiến trúc Một Cột thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo. Lần đầu tiên người Hà Nội của thế kỷ XXI có thể “xuyên không” về thời Lý để chiêm ngắm phong cách hoàng gia của kiến trúc Một Cột chùa Diên Hựu được lắp ghép từ hàng ngàn mảnh vụn khảo cổ học đào được trong Hoàng thành Thăng Long và nhiều di tích khác.
Đến năm 2022, chúng tôi đã công bố phiên bản ứng dụng trải nghiệm nhập vai, trong đó các bạn trẻ có thể đóng vai như những chiến binh của thế kỷ XXI xuyên không về thời Lý để chiến đấu bảo vệ Thăng Long và chùa Một Cột. Các phiên bản VR-AR-metaverse đã đưa sản phẩm văn hóa số thức này đến với đại chúng, để người thời nay có thể học lịch sử bằng công nghệ, có thể chạm vào lịch sử, và trải nghiệm sống động về một quá khứ vàng son của Thăng Long xưa.
Lần đầu tiên người Hà Nội của thế kỷ XXI có thể “xuyên không” về thời Lý để chiêm ngắm phong cách hoàng gia của kiến trúc Một Cột chùa Diên Hựu được lắp ghép từ hàng ngàn mảnh vụn khảo cổ học đào được trong Hoàng thành Thăng Long và nhiều di tích khác.
Hiện, chúng tôi đang nghiên cứu và phỏng dựng kiến trúc tháp Quảng Chiếu và tiến đến phục dựng lễ hội ánh sáng đèn Quảng Chiếu bằng công nghệ, tuy nhiên công trình này còn tốn nhiều công sức, và còn phải chờ thêm nhiều nhân duyên khác nữa.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị và mong chờ những nhân duyên sẽ mang lại cho Hà Nội thêm nhiều công trình nghiên cứu có giá trị.
Nguồn: Báo Nhân Dân điện tử