Một số yếu tố tạo nên thành công trong tuyển sinh của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
TS. Đặng Trọng Hợp
Phó Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Công nghiệp HN
Chất lượng đào tạo, thương hiệu và uy tín của các cơ sở đào tạo được phản ánh qua kết quả tuyển sinh hàng năm; các trường đại học có uy tín, chất lượng đào tạo cao sẽ được nhiều thí sinh lựa chọn, đặc biệt là các thí sinh có học lực khá giỏi và ngược lại. Với truyền thống lịch sử 121 năm xây dựng và phát triển, 14 năm trở thành trường đại học, bằng những chiến lược hợp lý, bền vững, các giải pháp sáng tạo, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã dần khẳng định mình và vươn lên trở thành một trong những trường đại học có quy mô, uy tín và chất lượng hàng đầu Việt Nam, hướng tới được xếp hạng đại học trên thế giới trong những năm tới đây. Điều này thể hiện một phần qua con số 103.119 nguyện vọng (NV) của 63.594 thí sinh (TS) đăng ký xét tuyển vào Trường năm 2019.
1. Kết quả tuyển sinh
Trong những năm gần đây công tác tuyển sinh trên cả nước có nhiều thay đổi mạnh mẽ: có sự tách nhóm giữa các trường, cơ sở đào tạo có uy tín tuyển sinh tốt nhưng nhiều trường gặp rất nhiều khó khăn, tuyển sinh không đủ chỉ tiêu hoặc đứng trước nguy cơ không tuyển sinh được; Nhà nước đã tăng quyền tự chủ cho các trường trong tuyển sinh và xác định chỉ tiêu, các trường đã sử dụng nhiều phương thức để xét tuyển, tuyển thẳng do đó vấn đề thí sinh quan tâm không phải là vào được đại học mà chọn được trường, ngành có chất lượng, cơ hội việc làm và thu nhập cao sau khi ra trường; Sự cạnh tranh trong tuyển sinh ngày càng cao, ngay cả một số trường có uy tín, bề dày lịch sử cũng vẫn phải thực hiện nhiều chiến dịch, giải pháp để tăng cường truyền thông tuyển sinh, vẫn có những ngành nghề không tuyển đủ chỉ tiêu.
Trước bối cảnh đó, với uy tín và chất lượng đào tạo đã được khẳng định, nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai đã góp phần mang đến thành công trong công tác tuyển sinh của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (gọi tắt là Trường), đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng đầu vào. Đặc biệt từ năm 2018 số lượng thí sinh và nguyện vọng đăng ký vào Trường đã có mức tăng vượt bậc: từ 72.826 nguyện vọng (NV) năm 2017 lên 103.889 NV năm 2018 và 103.199 năm 2019 (chiếm 4% tổng số nguyện vọng xét tuyển cả nước), từ 40.000 thí sinh năm 2017 lên trên 63.000 thí sinh năm 2018 và 2019 (chiếm gần 10% tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển của cả nước).
Một số liệu tích cực khác của năm 2019 là các số ngành có tỷ lệ thí sinh, nguyện vọng thấp hơn và mới mở năm 2018 đã có sự gia tăng số lượng nguyện vọng đáng kể như nhóm ngành ngôn ngữ, nhóm ngành du lịch, nhóm ngành kinh tế và quản lý kinh doanh. Đặc biệt ngành Công nghệ thực phẩm có số lượng nguyện vọng tăng gấp 3 lần, Kinh tế đầu tư tăng 6,5 lần, 23/34 ngành có tỷ lệ nguyện vọng trên chỉ tiêu (NV/CT) lớn hơn 10, cao nhất là ngành Du lịch có tỷ lệ 40 NV/CT. Xét riêng khối ngành kỹ thuật, 2 ngành có tỷ lệ đăng ký cao nhất là Công nghệ thông tin với 24 NV/CT, Công nghệ kỹ thuật Ô tô với 18 NV/CT. Tỷ lệ trung bình toàn trường tăng từ 12 NV/CT năm 2017 lên 15 NV/CT năm 2018 và 2019, chi tiết như Biều đồ 1 dưới đây:
Biểu đồ 1. Tỷ lệ nguyện vọng trên chỉ tiêu từ 2017-2019
Thống kê từ năm 2017-2019 cũng cho thấy có 08 ngành tỷ lệ NV/CT liên tục tăng là: Kiểm toán; Ngôn ngữ Anh; Công nghệ kỹ thuật Ô tô; Công nghệ Dệt, May; Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành; Kinh tế đầu tư; Công nghệ thực phẩm; Quản trị khách sạn. Có 07 ngành tỷ lệ NV/CT liên tục giảm là: Công nghệ kỹ thuật hóa học; Công nghệ kỹ thuật nhiệt; Hệ thống thông tin; Công nghệ kỹ thuật môi trường; Khoa học máy tính; Ngôn ngữ Trung quốc; Marketing.
Ngoài thế mạnh và truyền thống về các ngành khối kỹ thuật, trong những năm gần đây Trường đã mở rộng các ngành thuộc khối phi kỹ thuật theo nhu cầu của xã hội như nhóm ngành Du lịch, Ngoại ngữ, các ngành mở ra đều nhận được sự quan tâm, đăng ký của đông đảo thí sinh.
Không chỉ có số lượng nguyện vọng và thí sinh đứng đầu cả nước, chất lượng tuyển sinh đầu vào tăng mạnh trong những năm gần đây đã phản ánh sự gia tăng vị thế, uy tín của Trường. Biểu đồ 2 so sánh điểm xét tuyển trung bình của sinh viên nhập học vào các ngành trong 2 năm 2018, 2019 cho thấy điểm xét tuyển trung bình của sinh viên nhập học năm 2019 tăng 1,91 điểm so với năm 2018, mức tăng này lớn hơn so với mức tăng trung bình của cả nước từ 1,00 điểm đến 1,86 điểm tùy theo khối xét tuyển, điều này chứng tỏ thương hiệu và sự hấp dẫn của Trường với thí sinh đang tiếp tục tăng lên. Sinh viên nhập học năm 2019 phần lớn là học sinh khá và giỏi với điểm xét tuyển 3 môn trung bình là 21,53.
Biểu đồ 2. Điểm xét tuyển trung bình của sinh viên nhập học
Một sự chuyển dịch thuận lợi khác là đối tượng trúng tuyển và nhập học, 92 % tổng số sinh viên nhập học đến từ 15 tỉnh vùng Đồng bằng bắc bộ, Bắc trung bộ có điều kiện kinh tế phát triển, gần 20% sinh viên Nhà trường có hộ khẩu tại Hà Nội, 31% sinh viên đến từ khu vực 2 và 3 (thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương).
Biểu đồ 3. Top 15 tỉnh nhiều sinh viên nhập học đại học từ 2017-2019
Biểu đồ 4. Thống kê sinh viên theo khu vực ưu tiên tuyển sinh
Bên cạnh thành công trong công tác tuyển sinh Đại học chính quy, các loại hình đào tạo khác của Nhà trường cũng tuyển sinh đủ chỉ tiêu hàng năm: Cao đẳng 1.500 chỉ tiêu, Liên thông lên đại học 440 chỉ tiêu.
2. Một số yếu tố tạo nên thành công trong tuyển sinh
Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất để làm nên thương hiệu, uy tín và thành công trong công tác tuyển sinh là chất lượng đào tạo. Trong những năm vừa qua Đại học Công nghiệp Hà Nội đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo: đổi mới cả về nội dung và phương pháp đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo theo CDIO chuyển từ tiếp cận theo nội dung sang tiếp cận theo chuẩn đầu ra, xác định rõ chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ mà sinh viên phải/cần đạt được trong từng môn học và cả chương trình đào tạo (đây cũng chính là cam kết của giảng viên và Nhà trường với sinh viên trong hoạt động đào tạo); đổi mới trong công tác kiểm tra, đánh giá đồng bộ với đổi mới nội dung chương trình, độc lập giữa hoạt động giảng dạy và đánh giá; Tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, xây dựng nhiều phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ cao hàng đầu Việt Nam; Gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động đào tạo với nghiên cứu khoa học của sinh viên và giảng viên.
Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường là thước đo chất lượng đào tạo và sự đáp ứng với nhu cầu xã hội. Đại học Công nghiệp Hà Nội là một trong số rất ít trường có đơn vị chuyên trách về hợp tác doanh nghiệp, mối quan hệ với trên 2000 doanh nghiệp đã góp phần tạo nên con số trên 95% sinh viên có việc làm sau khi ra trường 1 năm. Sự phản hồi thông tin và nhận thức của xã hội, người học đã có sự thay đổi: trước đây phải vào được đại học nhưng ngày nay người học quan tâm đến việc học trường nào, ngành nào ra trường có việc làm tốt; trước đây sự phản hồi về chất lượng đào tạo và cơ hội việc làm phải mất nhiều năm mới ảnh hưởng nhưng ngày nay với sự phát triển của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông thì chất lượng đào tạo và cơ hội việc làm sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới công tác tuyển sinh.
Truyền thông có vai trò quan trọng và cần thiết trong quảng bá hình ảnh của Nhà trường nói chung cũng như công tác tuyển sinh. Sự phối kết hợp giữa Phòng Đào tạo và Trung tâm Truyền thông & Quan hệ công chúng, Đoàn thanh niên và các đơn vị liên quan trong việc cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác và thuận tiện để tra cứu ngành nghề đào tạo, thông tin tuyển sinh đã giúp thí sinh hiểu, tin tưởng và lựa chọn Đại học Công nghiệp Hà Nội. Phương pháp truyền thông được thực hiện sáng tạo, kết hợp giữa các kênh truyền thống với kênh mạng xã hội như facebook, zalo... Các hoạt động truyền thông được thực hiện với nội dung, mục đích và thời gian phù hợp đã mang lại hiệu quả cao: thông tin giới thiệu đề án tuyển sinh, bài viết và clip giới thiệu chi tiết 34 ngành nghề đào tạo, cuộc thi tuyên truyền video clip “I Choose HaUI – Tôi chọn Đại học Công nghiệp Hà Nội” với gần 450.000 lượt xem như Biểu đồ 5 (thống kê ngày 5/9/2019). Đặc biệt một sự thay đổi trong năm 2019 là sự tham gia chủ động, tích cực của toàn thể cán bộ viên chức (CBVC) và sinh viên (SV) nhà trường, mỗi bài viết đều nhận được sự quan tâm, chia sẻ của đông đảo CBVC và SV. Điều này thể hiện mỗi CBVC đã thực sự gắn bó với Nhà trường, coi sự thành công trong hoạt động tuyển sinh nói riêng cũng như Nhà trường nói chung là một phần thành công của cá nhân mình, đối với sinh viên là sự tin tưởng và yêu mến ngôi trường mình đang theo học. Đây là những kết quả thực chất, bền vững nhất sẽ giúp nhà trường tiếp tục lớn mạnh và phát triển lên một tầm cao mới trong tương lai.
Biểu đồ 5. Số lượt xem video giới thiệu các ngành đào tạo
Tư vấn tuyển sinh là kênh nối trực tiếp giữa nhà trường với thí sinh. Trong những năm gần đây đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong nội dung và cách thức tư vấn tuyển sinh: trước đây thí sinh thường chỉ tìm hiểu về danh mục ngành nghề, khối thi/xét tuyển và điểm chuẩn nhưng hiện nay sinh viên tìm hiểu chi tiết về chất lượng đào tạo, điều kiện học tập, cơ hội việc làm sau khi ra trường cũng như mức học phí; trước đây thí sinh tìm hiểu qua cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh và đến trực tiếp cơ sở đào tạo nhưng hiện nay gần như 100% thí sinh tìm hiểu qua mạng Internet và tư vấn qua các kênh mạng xã hội. Nắm bắt được xu hướng đó, hoạt động tư vấn tuyển sinh của nhà trường đã kết hợp giữa thông tin trên website với fanpage tuyển sinh, tin nhắn messenger và các số điện thoại đăng ký với Bộ GD&ĐT, giúp thí sinh có thể tìm hiểu về tuyển sinh của Nhà trường mọi lúc, mọi nơi. Hoạt động tư vấn đảm bảo trả lời tất cả các câu hỏi cho đến khi thí sinh đã nắm rõ mọi thông tin cần thiết, nội dung tư vấn mang tính chất gợi mở và phân tích làm nổi bật những thế mạnh của Nhà trường chứ không chỉ là cung cấp thông tin. Qua thống kê cho thấy trong thời gian từ tháng 3/2019-7/2019 có khoảng 7000 thí sinh được tư vấn, mỗi thí sinh đưa ra từ 3-5 câu hỏi. Sự tận tâm và chuyên nghiệp trong công tác tư vấn giúp thí sinh hiểu rõ và yên tâm lựa chọn Đại học Công nghiệp.
3. Các giải pháp để tuyển sinh thời cách mạng 4.0
Trong xu thế đón đầu yêu cầu nhân lực của cuộc cách mạng 4.0, Đại học Công nghiệp Hà Nội không chỉ đưa ra nhiều ngành mới mà chương trình đào tạo truyền thống cũng được chuyển đổi theo hướng mô hình đào tạo chất lượng cao, sử dụng công nghệ số để đáp ứng yêu cầu chuẩn mực và hội nhập quốc tế.
Tiếp tục đổi mới mãnh mẽ nội dung và phương pháp đào tạo, triển khai và hoàn thiện các chương trình đào tạo theo CDIO để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo. Chuẩn đầu ra của mỗi môn học, chương trình phải gắn liền với nhu cầu của xã hội và phải là cam kết của mỗi giảng viên và Nhà trường với sinh viên.
Tăng cường các hoạt động hợp tác doanh nghiệp để tìm kiếm các cơ hội thực tập, việc làm cho sinh viên, thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo giúp sinh viên trải nghiệm môi trường thực tế ngay từ khi còn trong quá trình học tập.
Đổi mới các hoạt động tuyển sinh, nghiên cứu các phương thức tuyển sinh khác ngoài xét tuyển theo kết quả thi THPT Quốc gia, chuẩn bị các phương án khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi hình thức thi THPT. Bên cạnh các hoạt động hiện nay cần chủ động xúc tiến các hoạt động kết nối trực tiếp với các trường THPT và học sinh lớp 12, tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, đưa học sinh tới trải nghiệm môi trường học tập tại Nhà trường.
Tiếp tục đổi mới công tác truyền thông, phục vụ và tư vấn tuyển sinh. Chuyên viên tuyển sinh phải là chuyên gia về tư vấn và định hướng nghề nghiệp thay vì chỉ cung cấp thông tin cho thí sinh. Mỗi CBVC phải coi người học là khách hàng để thường xuyên, chủ động nâng cao chất lượng phục vụ tại các đơn vị như chất lượng tư vấn học vụ, tư vấn hướng nghiệp, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, công tác quản lý sinh viên.
Cùng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đòi hỏi giáo dục phải đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản lẫn tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục để tránh nguy cơ bị tụt hậu và đào thải. Để tạo được uy tín, danh tiếng với người học, với doanh nghiệp, Đại học Công nghiệp Hà Nội đang có nhiều đổi mới trong tuyển sinh, đào tạo theo hướng CMCN 4.0. Mục tiêu không còn là tuyển đủ chỉ tiêu mà tuyển được những thí sinh có chất lượng cao, đủ tố chất để lĩnh hội các kỹ thuật tiên tiến trong kỷ nguyên cách mạng số, có khả năng trở thành công dân toàn cầu, có năng lực tư duy đổi mới và sáng tạo.