Chuyển đổi số trong hệ thống giáo dục ngành Công Thương
Chuyển đổi số trong giáo dục là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Bộ Công Thương quản lý 30 cơ sở giáo dục đào tạo (Gồm 9 trường Đai học, 22 trường cao đẳng đào tạo nghề và 1 trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ Công Thương). Để đáp ứng nhu cầu nhân lực, đảm bảo chất lượng đào tạo, các cơ sở giáo dục ngành Công Thương đang từng bước "số hóa" hoạt động.
Giáo dục – lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của sự phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia như Úc, Đan Mạch, Anh,…Nội dung chuyển đổi số rất rộng và đa dạng, như chính phủ số, kinh tế số hay chuyển đổi số trong các ngành trọng điểm như nông nghiệp, du lịch, điện lực, giao thông. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu thế chuyển đổi số chung của thế giới hay không bỏ lỡ cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại.
Ngày 03 tháng 6 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Quyết định nêu rõ, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Một số ngành, lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trước, trong đó, chú trọng tới việc triển khai các sáng kiến nhằm liên kết giữa các ngành, lĩnh vực để cung cấp một trải nghiệm mới, hoàn toàn khác, mang lại giá trị cho người dân, doanh nghiệp và xã hội. Lĩnh vực giáo dục nằm trong số 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số theo Quyết định 749/QĐ-TTg.
Thực hiện tốt chuyển đổi số trong giáo dục góp phần đắc lực thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. (Ảnh: Báo Nhân dân)
Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục tập trung chủ yếu vào hai nội dung gồm chuyển đổi số quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học.
Chuyển đổi số trong quản lý giáo dục chú trọng vào số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các Công nghệ 4.0 (AI, blockchain, phân tích dữ liệu, ..) để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định trong ngành giáo dục đào tạo một cách nhanh chóng, chính xác.
Trong khi đó, chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá bao gồm số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến, xây dựng các trường đại học ảo (cyber university).
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, cùng với các giải pháp cấp bách, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng triển khai các hoạt động lâu dài để thực hiện tăng cường chuyển đổi số trong quản trị, quản lý giáo dục; triển khai hệ thống thông tin quản lý giáo dục toàn ngành, đồng bộ, kết nối dữ liệu từ các cơ sở giáo dục đào tạo, Phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Bộ Giáo dục và Đào tạo đến cơ quan Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo; kết nối dữ liệu giữa ngành Giáo dục với các cơ sở dữ liệu quốc gia; triển khai các mô hình quản trị nhà trường tiên tiến trên nền tảng số bảo đảm thiết thực và hiệu quả.
"Điểm sáng" chuyển đổi số trong các sơ sở giáo dục ngành Công Thương
Thời gian qua, nhiều trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ Công Thương đã tích cực, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào trong công tác nghiên cứu, dạy và học để bắt kịp xu thế của CMCN 4.0. Đại học Công nghiệp Hà Nội là một trong số cơ sở giáo dục ngành Công Thương sớm thực hiện chuyển đổi số ở khu vực phía Bắc.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã từng bước thay đổi mô hình, phương pháp quản trị toàn diện, ứng dụng những triết lý tiên tiến vào thiết lập và vận hành hệ thống quản lý đi kèm với việc chủ động phát triển và ứng dụng hệ thống phần mềm CNTT. Lãnh đạo nhà trường xác định chuyển đổi số đại học phải bắt nguồn từ việc thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa của nhà trường trên cơ sở khai thác hiệu quả các yếu tố công nghệ và nền tảng CNTT và truyền thông. heo đó, quá trình chuyển đổi số của Đại học Công nghiệp Hà Nội đang được vận hành theo lộ trình 6 giai đoạn, từ Tin học hóa, Kết nối, Trực quan hóa, Minh bạch hóa, Tiên đoán cho đến Thích ứng.
Giảng viên Đại học Công nghiệp Hà Nội hướng dẫn sinh viên sử dụng máy đúc nhựa SE180EV-A Nhật Bản
PGS.TS Trần Đức Quý – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết, hiện tại, Nhà trường đang vận hành hệ thống CNTT gồm 44 máy chủ, 4082 máy tính, 3349 thiết bị CNTT và truyền thông, 127 phần mềm ứng dụng các loại được trang bị và khai thác, giúp đảm bảo 100% các hoạt động trong Nhà trường được tin học hóa.
“Nhà trường đã chủ động trong việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai đề án "Thiết lập hệ thống quản trị Nhà trường theo mô hình Đại học Điện tử" nhằm từng bước ứng dụng ICT vào chuẩn hóa và nâng cao hiệu lực, hiệu quả các quá trình quản lý và tác nghiệp phù hợp với thực tiễn hoạt động nhà trường. Phần lớn các hoạt động của Nhà trường đã thực hiện thành công chuyển đổi số ở mức độ số hóa các quy trình quản lý và tác nghiệp, một số hoạt động đã bước đầu sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo trong xử lý thông tin và thực hiện các hoạt động quản lý”, PGS.TS Trần Đức Quý nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Đức Quý - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết Chuyển đổi số hiệu quả giúp Nhà trường nhanh chóng thích ứng với những vấn đề phát sinh đặc biệt khi dịch COVID 19 diễn ra
Trường Đại học Điện lực cũng là một trong những đơn vị giáo dục ứng dụng tương đối sớm công nghệ vào công tác quản lý. Toàn bộ hệ thống quản lý từ tuyển sinh, quản lý chương trình đào tạo, quản lý thi, quản lý quá trình học tập đều được tích hợp trên một hệ thống phần mềm quản lý chung toàn trường, giúp công tác quản lý được minh bạch, khách quan, nhanh và chính xác. Tương tác giữa các đơn vị trong trường, giữa nhà trường với sinh viên,… hầu hết được thực hiện thông qua hệ thống quản lý chung, giúp cho thông tin được kịp thời, hạn chế các giấy tờ không cần thiết đồng thời, tăng tính hiệu quả trong công tác quản lý.
Nhiều sản phẩm nghiên cứu của trường Đại học Điện lực được doanh nghiệp và xã hội nghi nhận, đánh giá cao
Là đơn vị hàng đầu trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng, trường Đại học Điện lực đã chủ động đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc dạy và học theo hình thức trực tuyến được nhà trường triển khai đồng bộ và có hiệu quả. Cùng với đó là một thư viện điện tử với trên 13.000 đầu sách và rất nhiều đầu sách điện tử đã đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng viên và sinh viên. Chính vì vậy, không chỉ hoàn thành kế hoạch dạy và học đã đặt ra, trường Đại học Điện lực còn gặt hái thành tựu đáng ghi nhận khi lọt vào Top 30 trường đại học nghiên cứu tại Việt Nam. Đặc biệt, năm 2019, trường Đại học Điện lực còn dẫn đầu cả nước về chỉ số công bố bằng nội lực do hệ thống đánh giá chất lượng đại học Việt Nam - University Performance Metrics (UPM) của Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện.
“Tới đây Nhà trường đang có kế hoạch xây dựng các phòng thí nghiệm, thực hành ảo áp dụng công nghệ tiên tiến để hỗ trợ cho công tác đào tạo và nghiên cứu. Tôi hy vọng rằng việc xây dựng các phòng thực hành, thí nghiệm sẽ giúp công tác đạo tạo của trường đạt được hiệu quả cao hơn, sinh viên có khả năng tiếp thu kiến thức tốt hơn”, TS. Dương Trung Kiên – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Điện lực chia sẻ.
Đại học Điện lực nằm trong top 30 cơ sở Giáo dục Đại học có số lượng công bố Quốc tế nhiều nhất
Trường Cao Đẳng Công nghiệp Huế (HueIC) cũng là một "điểm sáng" trong các cơ sở giáo dục ngành Công Thương trong việc ứng dụng công nghệ và chuyển đối dố. Ban giám hiệu nhà trườngquyết tâm xây dựng Trường Cao Đẳng Công nghiệp Huế (HueIC) trở thành trở thành trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ phục vụ yêu cầu phát triển của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á vào năm 2025. Ban giám hiệu Nhà trường đã không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo thông qua đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác giảng dạy và quản trị. Với các nền tảng số mà nhà trường đang sử dụng, giảng viên và sinh viên hoàn toàn có thể tương tác trực tuyến với nhau, tích hợp các bài giảng đa phương tiện để làm phong phú thêm bài học. Giảng viên và bộ phận quản lý có thể giám sát quá trình học tập của sinh viên, giao bài tập và đánh giá quá trình học tập của sinh viên một cách thuận tiện và chính xác.
Sinh viên HueIC tích cực nghiên cứu khoa học
Theo TS. Phạm Văn Quân – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, “Để tạo ra sự thay đổi đáp ứng cuộc CMCN 4.0, nhà trường xác định trọng tâm đào tạo của mình, không chỉ là kiến thức hàn lâm, mà là kỹ năng giao tiếp và thương lượng, kỹ năng xây dựng nhóm, sử dụng con người; kỹ năng giải quyết vấn đề; kỹ năng xử lý khủng hoảng, kỹ năng lãnh đạo và tư duy chiến lược; kể cả những kỹ năng cụ thể như lập kế hoạch tài chính và quản lý dòng tiền, sáng tạo giá trị mới và quản lý quan hệ khách hàng. Song song với cách dạy lý thuyết truyền thông, Nhà trường chuyển sang dạy học thông qua trải nghiệm, mục đích là để giúp người học hiểu cách tư duy của những người khởi nghiệp và có khả năng lựa chọn những quyết định tốt nhất trong một bối cảnh cụ thể.”
Sự đổi mới trong chương trình đào tạo, phương pháp dạy và học, nâng cao các kỹ năng mềm cho sinh viên đã giúp HueIC tạo được uy tín, danh tiếng với người học và doanh nghiệp, trở thành điểm sáng trong khối các trường thuộc Bộ Công Thương và trở thành trường chất lượng cao của Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Trường Cao đẳng Công Thương Miền Trung đầu tư trang thiết bị phục vục công tác giảng dạy
Tại trường Cao đẳng Công Thương Miền Trung - một trong 89 cơ sở giáo dục nghề nghiệp được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp lựa chọn là Trường chất lượng cao, chuyển đổi số cũng được Ban Giám hiệu chú trọng thực hiện thông qua việc ứng dụng công nghệ vào quá trình giảng dạy. TS. Trần Kim Quyên – Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, để nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học, Nhà trường chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin như: số hóa các nội dung bài giảng, giáo trình, bài giảng điện tử, mô phỏng hóa các kỹ năng,. Nhiều clip được thực hiện để làm phương tiện giảng dạy và cho sinh viên tham khảo thêm trong quá trình hình hành kỹ năng,… Việc triển khai ứng dụng công nghệ trong giáo dục đã giúp Nhà trường duy trì hoạt động dạy và học thông qua hình thức trực tuyến ngay trong đại dịch Covid từ đầu năm 2020 đến nay.
TS Phạm Thị Thu Hoài – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp cho biết "Trong năm 2021 và các năm tiếp theo, nhà trường định hướng các đơn vị chuyên môn và các nhóm nghiên cứu tập trung vào các hướng nghiên cứu trong danh mục ưu tiên về KH&CN mà Chính phủ, Bộ Công Thương đã công bố, đồng thời cũng đẩy mạnh hơn nữa các nhiệm vụ KHCN đáp ứng yêu cầu thực tế sản xuất kinh doanh và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0".
Với quy mô hơn 53.000 cơ sở giáo dục đào tạo, 24 triệu học sinh sinh viên và 1,4 triệu giáo viên, thực hiện tốt chuyển đối số trong giáo dục sẽ đóng góp một phần quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia nói chung. Tuy nhiên, để ngành giáo dục có thể thực hiện chuyển đổi số thành công, bản thân các nhà trường, cơ sở giáo dục cũng cần chủ động thực hiện chuyển đổi số ngay tại cơ sở đào tạo của mình bằng cách tích cực tìm hiểu, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong quản lý, giảng dạy và đào tạo. Các sơ sở giáo dục ngành Công Thương đã và đang "chuyển mình" chuyển đổi số, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng như cầu công nghiệp hoa - hiện đại hóa của nền công nghiệp 4.0.
Mục tiêu Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục: - Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa. - 100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học. Trích Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 |
NGUỒN: BỘ CÔNG THƯƠNG