Đại học Công nghiệp Hà Nội tham gia tọa đàm "Công nghiệp hỗ trợ và bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao"

Hiện nay, nguồn nhân lực phục vụ cho ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đang thiếu hụt rất nhiều cả về chất và lượng để có thể đáp ứng được nhu cầu hoạt động của dây chuyền thiết bị hiện đại. Đó là lý do Báo Lao Động tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Công nghiệp hỗ trợ và bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao".

10h17:Để tránh lãng phí tài nguyên, khi tiến hành đào tạo nhân lực cho các ngành Công nghiệp hỗ trợ, nhà trường cần tập trung chọn cách tiếp cận thế nào?

- TS Kiều Xuân Thực – Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Để tránh lãng phí tài nguyên năng lực, nguyên tắc đầu tiên phải tuân thủ quy luật cung cầu của thị trường. Đào tạo cái doanh nghiệp có nhu cầu chứ không phải cái nhà trường đang có. Các trường đang rất loay hoay trong việc này.

Mục tiêu đào tạo chuẩn đầu ra phải phản ánh được yêu cầu về năng lực của người tốt nghiệp.

Các cơ sở phải nâng cao chất lượng đào tạo để người tốt nghiệp có thể thắng trong cạnh tranh khi cùng tham gia dự tuyển với những người tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo khác. Để làm như vậy, đương nhiên các trường thường xuyên phải cập nhật nội dung. Trước hết là cập nhật thay đổi về công nghệ và phải đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp đối với người lao động.

Các trường phải tăng cường đội ngũ giáo viên, giảng viên để họ vừa là thầy nhưng cũng là chuyên gia.

Cần tăng cường hợp tác nhà trường và doanh nghiệp để kết nối đào tạo và sử dụng để cập nhật khoa học kỹ thuật là công nghệ mới vào đào tạo. Đối với các cơ sở đào tạo, phải gắn đào tạo với doanh nghiệp để làm sao doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo, để sau khi năm thứ 2, năm thứ 3, các em có thể làm việc được cho các doanh nghiệp.

10h15:Các doanh nghiệp, ngoài việc phải đầu tư nhiều hơn cho dây chuyền công nghệ hỗ trợ mới, hiện đại để đáp ứng yêu cầu sản xuất thì việc trang bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho quá trình này ngày càng trở nên bức thiết. Theo đó, công tác phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp hỗ trợ thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp gì?

- TS Lê Đông Phương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học và Nghề nghiệp, Viện khoa học Giáo dục Việt Nam: Công nghiệp hỗ trợ có tuổi thọ ngắn, công nghệ thay đổi liên tục nên DN cần gắn kết với nhà trường để tạo điều kiện cho nhau phát triển: Sinh viên được tiếp cận với dây truyền công nghệ mới của DN, DN sau này có nguồn nhân lực tốt. Trên thực tế, nhiều sinh viên thực lực giỏi nhưng bằng cấp không tốt do trong quá trình học tập có nhiều nguyên nhân không chú tâm vào học tập. Do đó, cần nhìn vào thực tế chứ không chỉ xem bằng cấp.

- Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam: Đầu tư vào nguồn nhân lực là một yếu tố phát triển bền vững không chỉ của ngành công nghiệp hỗ trợ mà còn của các ngành khác. Để giải được bài toán này, phải có sự hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp. Các cơ sở đào tạo nên nâng cao tính ứng dụng giảm bớt tính hàn lâm, đặc biệt là đào tạo ngoại ngữ. Đây là quá trình thiết yếu để đảm bảo chất lượng cho nguồn lao động.

Có rất nhiều cơ sở chọn những người lao động có trình độ ngoại ngữ. Đôi khi doanh nghiệp muốn đưa người lao động nâng cao tay nghề thì người lao động phải có tiếng Anh. Những bạn không có tiếng Anh cơ hội thấp hơn hẳn.

Có những em dù đào tạo trung cấp nhưng có tiếng Anh, có rất nhiều cơ hội. Đẩy mạnh ngoại ngữ là một trong những "tấm visa" để người lao động hội nhập tốt hơn trong thời đại 4.0 hiện nay.

10h02:Theo khảo sát của của Talentne, đa số doanh nghiệp cho biết, trọng tâm của năm 2019 là phát triển nguồn nhân lực và đội ngũ kế thừa do "mất người quá nhiều", bên cạnh đó là công tác trau dồi khả năng cho người lao động. Câu chuyện lương bổng chỉ xếp hàng thứ ba trong “mối quan tâm” của doanh nghiệp. Ông/bà có bao giờ nghĩ, một trong những lý do khiến nhân viên rời ghế, hoặc doanh nghiệp không tìm được nguồn nhân lực chất lượng cao là chính là vấn đề tiền lương và chế độ đãi ngộ phù hợp?

- Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam: Đứng từ góc độ người lao động, khi đi làm rõ ràng quan tâm đến lương. Nhưng khi quyết định ở lại hay đi thì tiền lương không phải yếu tố chính mà chính là chế độ đãi ngộ và cơ hội thăng tiến.

Tôi nghĩ đây là điều mà các cơ sở tuyển dụng phải rút kinh nghiệp. Bên cạnh việc trả lương xứng đáng, phải cho người lao động thấy cơ hội thăng tiến, người lao động có thể tiến xa hơn.

Ở cơ sở sản xuất thiếu khá nhiều kỹ năng lao động có thể tương tác được theo nhóm. Nhiều công ty tính tỉ lệ hiện diện, trong thời gian tham gia vào lao động sản xuất trong công ty thấp như ốm đau, nghỉ nhiều vì những việc cá nhân, gia đình, hiếu hỉ…, vì thế cơ hội phát triển cho những người đó không có nhiều. Những công ty đó chấm lương cho điểm chuyên cần. Đấy là một kĩ năng mềm, các cơ sở đào tạo nên lưu ý dạy các em tính chuyên nghiệp và tính kỷ luật trong sản xuất.

Điểm nữa là nhu cầu học hỏi, cầu tiến. Một số công ty chấm điểm người lao động có nỗ lực nâng cao chất lượng. Việc hoàn thành công việc theo năng suất lao động là một phần, còn phần khác là tự nâng cao năng lực bản thân. Những người tự nâng cao năng lực bản thân sẽ được đánh giá tốt hơn.

Việc di chuyển việc của người lao động phụ thuộc vào 2 yếu tố, một là xuất phát từ công ty và hai cũng là từ người lao động có nỗ lực hay không.

Tôi muốn thông qua đây, các cơ sở đào tạo sẽ dạy các em khi đi làm nên có những kĩ năng mềm.

- TS Lê Đông Phương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học và Nghề nghiệp, Viện khoa học Giáo dục Việt Nam: Học sinh, sinh viên Việt Nam chưa được học ứng xử trong giao tiếp khi làm việc. Học sinh một số trường có “thương hiệu” lại nghĩ mình ở trình độ cao.

Học sinh chuyển từ môi trường đào tạo sang môi trường lao động bị các cấp áp đặt dễ nảy sinh nhiều vấn đề. Điều quan trọng là DN và người lao động phải có sự gắn kết với nhau.

Tôi đã sang Nhật Bản và thấy có những lao động đã làm việc tại một cơ sở cả đời dù lương không phải là cao. Còn ở Việt Nam điều này hơi khó. Ở Việt Nam cần có sự gắp kết lâu dài giữa lao động và DN.

10h:Hiện nay, các viện, trường đại học chỉ chú ý đến đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp chính, ít chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Điều này dẫn đến tình trạng các ngành công nghiệp chế tạo Việt Nam khó có điều kiện tự khẳng định mình do còn phải phụ thuộc vào các linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài, không tự làm ra được những sản phẩm “Made in Việt Nam”. Vấn đề này, liệu có cần một “cuộc cách mạng” để thay đổi?

- TS Kiều Xuân Thực – Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Sau THPT thì hệ thống giáo dục của Việt Nam có đào tạo ở nhiều bậc từ trung cấp đến đại học và sau đại học. Với các cơ sở đào tạo, chúng tôi quan tâm đào tạo gì, ngành nghề gì, quy mô ra sao, đáp ứng nhu cầu thế nào...

Sau khi đào tạo, sẽ chia ra làm nhiều nhóm tiếp nhận lao động. Ví dụ: DN hỗ trợ công nghiệp thiên về sản xuất chế tạo cần lao động thiết bị thì họ cần nguồn từ cơ sở đào tạo ứng dụng.

Nói “cuộc cách mạng” không đến mức như thế mà chỉ cần sự kết nối cơ sở đào tạo và DN ra sao? Sự hợp tác giữa DN và cơ sở đạo tạo được tốt hơn thì nguồn lao động được cung cấp tốt, DN sử dụng lao động hiệu quả.

9h50:Nhân lực phục vụ Công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, chủ yếu do suất đầu tư thấp; doanh nghiệp và nhà trường chưa hình thành liên kết bền vững, hợp tác hỗ trợ nhau. Ông/bà nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

- TS Kiều Xuân Thực – Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Có thể nói đào tạo nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ là đào tạo cho công nghệ ứng dụng. Do đó, công nghệ là điều rất cần thiết. Nếu cơ sở đào tạo chỉ dựa vào nguồn thu từ sinh viên hay đầu tư của Nhà nước để hoạt động thì rất khó khăn. Do đó, cơ sở đào tạo rất cần sự hỗ trợ của DN. Tôi xin đơn cử, DN có máy móc thiết bị hiện đại mà cơ sở đào tạo không có nên sinh viên có thể đến DN thực tập để tiếp cận với máy móc tốt, hiện đại.

Ngược lại, DN cũng có thể trao đổi với nhà trường xem cần sinh viên ra sao, nguồn nhân lực như thế nào để nhà trường đáp ứng, nhà trường bổ trợ cho DN.

- Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam: Tháng 6 vừa rồi, tôi có cơ hội đi khảo sát doanh nghiệp và cơ sở đào tạo tại Malaysia, và tôi rút được kinh nghiệm từ những cơ sở đào tạo rất gần gũi với doanh nghiệp. Đúng là như những chia sẻ của Tiến sĩ Kiều Xuân Thực, có những chuyên gia ở nhà máy đến dạy tại trung tâm và ngược lại.

Vì có những cơ sở đào tạo đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nên cơ sở đó sống nhờ tiền tài trợ của doanh nghiệp. Cơ sở đào tạo có những phòng kiểm chuẩn thiết bị luôn. Việc đào tạo như vậy giúp họ rất nhanh nắm bắt những xu hướng mới và có những quy trình, quy định mới để đào tạo lao động cho doanh nghiệp.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam. Ảnh: Tô Thế

Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam. Ảnh: Tô Thế

Tất cả doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn đều có những đóng góp quan trọng cho trung tâm đào tạo. Và trung tâm đào tạo kết nạp doanh nghiệp như kiểu hội viên. Tôi nghĩ đây là cách hợp tác khá hay và Việt Nam nên học tập để 2 bên đến gần với nhau.

Thông qua hiệp hội, chúng ta có thể hỗ trợ doanh nghiệp và cơ sở đào tạo đến gần với nhau. Đó là cách tôi nghĩ là hợp lý và chúng ta nên có những hợp tác bài bản thông qua những tổ chức như hiệp hội. Chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật những mong muốn từ doanh nghiệp đến cơ sở đào tạo, điều đó sẽ tạo điều kiện cho cả hai phía.

9h43:Ở góc độ chuyển dịch lao động, hiện nay, xu hướng chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp đã tiếp diễn liên tục trong chuỗi thời gian dài. Song, các chuyên gia cũng trăn trở, liệu dịch chuyển này có thực sự bền vững không khi sản xuất nông nghiệp đang giảm mạnh chưa từng có; còn công nghiệp cũng tăng trưởng không đạt như kỳ vọng? Biểu hiện cho thấy lao động dường như chưa thực sự chảy vào các ngành công nghiệp và dịch vụ, mà vẫn “chôn chân” ở khu vực nông thôn?

- TS Lê Đông Phương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học và Nghề nghiệp, Viện khoa học Giáo dục Việt Nam: Tại Việt Nam, lao động đi nhưng không quay về và đã diễn ra quá nhiều. Sắp tới, Tết Nguyên đán sẽ có cuộc "đại di cư" đi và đến các khu công nghiệp. Sự di chuyển lao động có thể tốt vì sẽ cung cấp nguồn lao động nhưng không bền vững, hay gián đoạn, thậm chí bỏ việc. Đây là thách thức lớn cho các DN.

Bên cạnh đó, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp nên gây khó khăn cho DN.

9h40:Thực tế nhìn từ ngành công nghiệp ôtô cho thấy, mặc dù được Nhà nước bảo hộ với mức thuế rất cao, mở cửa để doanh nghiệp nước ngoài vào hợp tác phát triển, nhưng sau hàng chục năm, các doanh nghiệp trong nước vẫn mới chỉ dừng lại ở gia công, tỷ lệ nội địa hóa rất thấp. Điều này, phải chăng xuất phát từ việc Việt Nam thiếu nguồn nhân lực có tay nghề, có khả năng hấp thụ được khoa học – kỹ thuật của các đối tác nước ngoài?

- TS Lê Đông Phương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học và Nghề nghiệp, Viện khoa học Giáo dục Việt Nam: Về ngành sản xuất ôtô Việt Nam, nhân lực của Việt Nam không đến nỗi không tiếp thu được. Sinh viên trường Bách khoa, Công nghiệp Hà Nội hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ về chế tạo phụ tùng hay gia công với ngành công nghiệp ôtô.

Nhưng ôtô được thiết kế theo hãng nên các thiết bị, phụ tùng được tay đổi theo năm, buộc các doanh nghiệp phải thay đổi rất nhanh dây chuyền sản xuất nên đòi hỏi trình độ lao động cao. Nhưng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa nghĩ đến điều đó.

Doanh nghiệp Việt Nam dường như chậm trong việc thích ứng. Tôi nghĩ doanh nghiệp Việt Nam khó ở chỗ đó chứ không phải vấn đề nhân lực.

9h35:Là người rất gắn bó và đi sát với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong suốt thời gian qua, ông nhận thấy các DN công nghiệp hỗ trợ gặp những khó khăn như thế nào về nguồn nhân lực?

- TS Kiều Xuân Thực – Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Chúng tôi hợp tác với 2.000 DN từ năm 2010, hàng năm nhà trường hợp tác với nhiều DN để đào tạo gắn với DN. 100% sinh viên đi thực tập ở DN, mời DN tham gia phát triển đào tạo, tổ chức ngày hội việc làm để sinh viên với DN tiếp xúc với nhau.

Ngược lại, DN tích cực hợp tác với trường trong tài trợ với sinh viên, với nhà trường, cử chuyên gia tham gia hoạt động với nhà trường.

TS Kiều Xuân Thực – Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nêu ý kiến. Ảnh: Tô Thế

TS Kiều Xuân Thực – Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nêu ý kiến. Ảnh: Tô Thế

Nhà trường được DN tài trợ 50-60 tỉ/năm để đào tạo, hỗ trợ sinh viên học tập, mua sắm trang thiết bị... Ví dụ, năm 2008 một tập đoàn Đài Loan đầu tư 5 triệu USD vào trường để đào tạo, sau khi sinh viên ra trường thì nhận vào làm việc.

Qua đó để nói muốn nâng cao việc đào tạo, cần liên kết với các DN. DN cũng có lợi khi tuyển dụng sinh viên vì không phải đào tạo lại nữa.

9h25:Vấn đề trả lương cho nhân lực đối với các doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ hiện nay cũng rất khó. Thực tế có tình trạng nhiều lao động có trình độ chuyên môn lại chọn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, về nước có một số vốn kinh doanh; còn lao động trình độ vừa lại chọn làm công việc tự do. Ông/bà nhìn nhận về vấn đề này thế nào?

- TS Lê Đông Phương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học và Nghề nghiệp, Viện khoa học Giáo dục Việt Nam: Tôi cho rằng ở đây có sự không thống nhất giữa nhà tuyển dụng và người lao động trong trả lương. Người lao động có chuyên môn kỹ thuật khó có thể tiếp cận với môi trường lao động tốt. Trong khi đó, DN công nghiệp hỗ trợ là DN vừa và nhỏ, mô tả công việc không chính xác nên người lao động không hình dung ra công việc. DN vừa và nhỏ giới thiệu việc làm không đến người lao động chưa cởi mở. Thông tin tuyển dụng chưa mang tính chuyên môn cao. Một số người lao động chuyên môn kỹ thuật cao nhưng lương ban đầu trả không cao, không được như kỳ vọng nên doanh nghiệp khó tuyển.

TS Lê Đông Phương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học và Nghề nghiệp, Viện khoa học Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Tô Thế

TS Lê Đông Phương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học và Nghề nghiệp, Viện khoa học Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Tô Thế

- Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam: Về mặt đào tạo, có những ngành có nhu cầu nhưng các thí sinh không có hứng thú với các ngành đó. Đó là điểm yếu và cần có sự thông tin rộng rãi hơn về thị trường lao động để các học sinh biết đến.

Điểm thứ 2 là đào tạo của nhà trường chưa đáp ứng yêu cầu lao động. Trong thời gian gần đây, nhiều trường chuyển sang đào tạo công nghiệp ứng dụng nhưng các sinh viên ra trường vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Đó là một bài toán khó.

Tôi rất chia sẻ với Tiến sĩ Lê Đông Phương là thị trường chưa được cởi mở với người lao động. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và thông tin chưa rộng rãi khiến người lao động tiếp cận khó khăn hơn.

Có khá nhiều những công ty làm ăn bài bản đã tham gia vào chuỗi làm ăn toàn cầu, nhưng vẫn còn khá nhiều yếu tố khác kể cả vị trí địa lý. Những công ty công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam không phải ở trung tâm, trong khi nhiều kỹ sư kỳ vọng ở vị trí thuân lợi hơn,

Khá nhiều công ty đã khắc phục những khó khăn đó như trợ cấp xăng xe. Tôi nghĩ trong thông tin tuyển dụng ghi rõ vị trí địa lý, trợ cấp xe đi lại, xe đưa đón... sẽ giúp khắc phục nhiều khó khăn hơn.

Nhân việc tại buổi tọa đàm này có 2 Tiến sĩ từ các trường đào tạo, tôi cũng muốn chia sẻ rằng cần có sự hợp tác sâu hơn giữa các cơ sở sản xuất và cơ sở đào tạo để 2 bên hiểu nhau hơn, gần hơn, tạo điều kiện cho người lao động.

9h10: Buổi tọa đàm bắt đầu.

Vừa qua, Báo Lao Động tổ chức tọa đàm "Tiếp sức cho doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ". Trong buổi tọa đàm này, có một doanh nghiệp đã mô tả về bức tranh chung của nguồn nhân lực cho ngành Công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam hiện nay, đó là: “Trường đại học mở ra nhiều, nhưng các doanh nghiệp hiện nay vẫn rất khó tuyển dụng lao động”. Là người làm công tác đào tạo nhiều năm nay, ông/bà lý giải thế nào về vấn đề này?

- TS Kiều Xuân Thực – Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Tôi không biết nhận định này từ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gì, nhưng nếu theo nhận định này, có 2 khả năng: Một là không có nguồn cho doanh nghiệp tuyển. Ví dụ như với đơn vị đào tạo có nhu cầu nguồn nhân lực lớn nhưng không có thí sinh đăng ký.

Khả năng thứ 2 là có nguồn nhưng không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp nên doanh nghiệp không tuyển được. Có nhiều trường đào tạo gần đây, nhưng phần lớn đào tạo ở những trường phi kỹ thuật thì không phù hợp với công nghiệp hỗ trợ.

Nếu đào tạo nhưng không có đầu tư thích đáng để người học trải nghiệm trên công nghệ đó thì rất khó để người học có thể đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Về nhu cầu nhân lực, có thể chia làm 3 nhóm: Quản lý, thiết kế và vận hành thiết bị, tham gia trực tiếp sản xuất. Nhóm thiết kế sẽ có đích đến là các trường đại học, cao đẳng. Trong khi đó, nhóm trực tiếp sản xuất là các trường cao đẳng, trung cấp để tạo ra nhân lực và kỹ năng nâng cao.

Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Ngọc Hiển tặng hoa các khách mời tham dự tọa đàm. Ảnh: Tô ThếTổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Ngọc Hiển tặng hoa các khách mời tham dự tọa đàm. Ảnh: Tô Thế

Nhìn vào hiện trạng của ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong những năm qua có thể thấy, nhu cầu về sản phẩm CNHT là rất lớn, đặc biệt là khi tốc độ đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng cao.

Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển mạnh, đòi hỏi chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp hỗ trợ sẽ ngày càng khắt khe hơn. Tuy nhiên, hiện nguồn nhân lực được đào tạo CNHT còn thiếu và yếu đang là trở ngại lớn của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong trong lĩnh vực này.

Theo nhận định của các chuyên gia trong và ngoài nước, mặc dù Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, cần cù, nhưng hiện nay nguồn lao động có chất lượng cao tại Việt Nam vẫn còn quá ít. Đặc biệt là lao động có tay nghề trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ còn rất yếu so với các nước liền kề như Thái Lan, Trung Quốc...

Để phát triển Việt Nam trở thành Trung tâm sản xuất của ASEAN, trên cơ sở mối quan hệ hợp tác và hội nhập, theo các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, việc cấp thiết hiện nay là tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Và đó là lý do Báo Lao Động tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Công nghiệp hỗ trợ và bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao", với sự tham dự của tiến sĩ Lê Đông Phương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học và Nghề nghiệp, Viện khoa học Giáo dục Việt Nam; tiến sĩ Kiều Xuân Thực – Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam.

Tọa đàm được tổ chức vào 9h sáng nay (4.12) tại Hội trường lớn Báo Lao Động; tọa đàm mong muốn có những ý kiến tâm huyết của các khách mời – phân tích, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực ngành Công nghiệp phụ trợ của Việt Nam, qua đó khẳng định nguồn nhân lực là một trong những yếu tố then chốt cho sự phát triển của ngành Công nghiệp phụ trợ.

Theo nhóm PV (Báo lao động)