Giảng viên khoa Quản lý Kinh doanh với hoạt động thực tế doanh nghiệp
TS. Thân Thanh Sơn, TS. Vũ Đình Khoa
Khoa Quản lý Kinh doanh
Với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng gắn giữa lý thuyết với thực tiễn, hàng năm Khoa Quản lý kinh doanh tiến hành lập kế hoạch, tổ chức nhiều đợt giảng viên đi thực tế tại doanh nghiệp, và các tổ chức kinh tế - xã hội. Qua đó, giảng viên có điều kiện trao đổi, chia sẻ kiến thức, cập nhật thực tế, giúp bài giảng thêm sinh động và hiệu quả.
Giảng dạy đại học hiện đại đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với cả người học và người dạy. Công tác giảng dạy không chỉ hướng tới việc phát triển tri thức của người học mà còn phải gắn với yêu cầu thực tiễn của nghề nghiệp, vị trí công việc, đặc biệt là các chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề trên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược phát triển của Khoa Quản lý kinh doanh trong giai đoạn (2016 - 2020) là tiếp tục nâng cao năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên. Yêu cầu này không chỉ được cụ thể bởi các tiêu chí chỉ tiêu về số lượng, hàm lượng khoa học của các công trình nghiên cứu được công bố, tỷ lệ giảng viên có trình độ đào tạo Tiến sĩ và năng lực ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế mà còn yêu cầu các giảng viên phải luôn cập nhật các kiến thức mới cả về lý thuyết và thực tiễn.
Do đó, trong thời gian qua, Khoa Quản lý kinh doanh đã tổ chức định kỳ 2 lần/năm/bộ môn thực tế, làm việc, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế - xã hội trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Bảng 1: Tổng hợp hoạt động thực tế doanh nghiệp của khoa Quản lý kinh doanh giai đoạn 2016-2019
Nguồn: Báo cáo hoạt động thực tế doanh nghiệp 2016 – 2018 của K.QLKD
Theo số liệu thống kê hoạt động thực tế doanh nghiệp, riêng trong năm học 2018 – 2019, Khoa Quản lý kinh doanh đã tổ chức tổng cộng 14 chuyến đi thực tế doanh nghiệp với tỷ lệ giảng viên tham gia đạt 91%. Một số ít giảng viên không thể tham gia do đang học tập tại nước ngoài hoặc trong thời gian nghỉ chế độ. Các tổ chức lựa chọn gắn sát với chuyên môn của bộ môn. Số lượng các doanh nghiệp các bộ môn đi thực tế có xu hướng tăng trong cả giai đoạn 2016 - 2018. Kết thúc các chuyến đi thực tế, các bộ môn đều có báo cáo thảo luận chuyên sâu về các ứng dụng trong giảng dạy.Nguồn: Báo cáo hoạt động thực tế doanh nghiệp 2016 – 2018 của K.QLKD
Hoạt động định kỳ này của Khoa Quản lý kinh doanh cho thấy nỗ lực gắn kết việc hoạt động giảng dạy với thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bởi những lợi ích mà chương trình này có được.
+ Phần lớn giảng viên đều nhận thức được sự hữu ích của hoạt động thực tế doanh nghiệp, không những vậy giảng viên còn tích cực thảo luận trước, trong và sau khi thực tế nhằm nâng cao chất lượng bài giảng thực hành, giảng dạy lý thuyết gắn với thực tiễn được giảng viên truyền tải cho sinh viên.
+ Về phía doanh nghiệp do có kế hoạch làm việc cụ thể, chi tiết từ trước nên hoạt động trao đổi, chia sẻ thông tin liên quan đến chủ để thực tế diễn ra thuận lợi và có chiều sâu.
+ Giúp các giảng viên nâng cao hiệu quả triển khai bài giảng thông qua các tình huống điển hình mà thực tế đã được tham gia hoặc các ứng dụng quản trị về nhân sự, tài chính, chiến lược marketing được triển khai tại doanh nghiệp tham quan. Đây là những kiến thức hữu ích cho cả người học và người dạy.
Hoạt động thực tế doanh nghiệp đã tác động tích cực đến hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, cụ thể:
- Mức độ hài lòng của sinh viên về “Giảng viên có khả liên hệ tốt giữa lý thuyết với thực tế” được cải thiện qua các năm (xem hình 1):
Hình 1: Sinh viên đánh giá về “Giảng viên có khả năng liên hệ tốt giữa lý thuyết với thực tế”
(Nguồn: Báo cáo khảo sát sinh viên tốt nghiệp năm 2017, 2018, 2019)
- Số lượng, chất lượng bài báo khoa học có gắn với hoạt động thực tiễn luôn duy trì mở mức cao, trung bình 1,3 bài/giáo viên cơ hữu, vượt mục tiêu phát triển khoa học công nghệ Khoa Quản lý kinh doanh giai đoạn (2015-2020). Xét về chất lượng các bài báo khoa học, số lượng các bài báo khoa học có chất lượng cao được đăng tải trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục SSCI không ngừng tăng lên qua các năm (xem hình 2).
Hình 2: Tốc độ tăng trưởng các bài báo khoa học đăng tải trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục SSCI
(Nguồn: Báo cáo hoạt động nghiên cứu khoa học năm học 2016-2017, 2017-2018, 2018-2019).
- Theo kết quả khảo sát tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp của Trung tâm quan hệ doanh nghiệp thì tỷ lệ này của sinh viên Khoa Quản lý kinh doanh là khá cao và không ngừng gia tăng qua các năm.
Hình 3: Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp
(Nguồn: Báo cáo khảo sát việc làm sau một năm tốt nghiệp, năm 2016, 2017, 2018, 2019 (sơ bộ) – TT Quan hệ doanh nghiệp)
(*. Tính đến năm 2018, Khoa Quản lý kinh doanh có 2 ngành (Quản trị kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng) có sinh viên tốt nghiệp tham gia khảo sát việc làm sau một năm tốt nghiệp).
Hình 4: Giảng viên Khoa Quản lý kinh doanh thực tế doanh nghiệp
Kinh nghiệm để hoạt động thực tế đạt hiệu quả:
(i). Trước mỗi năm học, bộ môn thảo luận trong xác định chủ đề nghiên cứu thực tiễn trong năm học, lên danh sách các đơn vị phù hợp, liên hệ và trao đổi chủ đề với đơn vị thức tế.
(ii). Bộ môn cùng giảng viên tìm hiểu trước về đơn vị thực tế, cũng như chủ đề trao đổi, xây dựng đề cương thực tế.
(iii). Trong quá trình thực tế, giảng viên tập trung trao đổi làm rõ sự tương đồng và không tương đồng giữa lý thuyết với thực tế.
(iv). Kết thúc thực tế, bộ môn tổ chức sinh hoạt chuyên môn, xem xét cập nhật nội dung thực tiễn vào bài giảng, hoạt động đánh giá người học.
Trong thời gian tới, hoạt động thực tế vẫn là một trong những nội dung nâng cao trình độ chuyên môn của giảng viên Khoa Quản lý kinh doanh, và được xem là giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng lý thuyết gắn với thực tiễn.