Ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường: Giải pháp bảo vệ môi trường, phát triển tương lai bền vững
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội phát triển, ngày càng xuất hiện nhiều vấn đề môi trường cần giải quyết. Vì vậy, ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường trở thành một trong những ngành hấp dẫn với nhiều cơ hội việc làm, thu nhập cao sau khi tốt nghiệp.
Ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường là lĩnh vực chuyên về các kỹ thuật và công nghệ nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm; thu hồi, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải; cũng như các giải pháp quản lý để bảo vệ môi trường sống, thúc đẩy phát triển bền vững và duy trì cân bằng sinh thái.
Nhiều cơ hội phát triển cho ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường
Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, mở ra cơ hội phát triển cho ngành Công nghiệp môi trường.
Ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường - Hướng tới một nền công nghệ xanh, kinh tế xanh (Ảnh: Nguồn Internet)
Đến năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển ngành công nghệ môi trường thành một lĩnh vực kinh tế quan trọng, góp phần quan trọng vào cơ cấu phát triển ngành công nghiệp của đất nước.
Trong đó, việc nâng cao công nghệ xử lý chất thải rắn, nước thải, khí thải và cấp nước mang lại tiềm năng lớn cho ngành này. Sự đồng bộ hóa các giải pháp cũng giúp ngành này khẳng định vị trí quan trọng trong hệ thống các ngành công nghiệp và đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường ngày càng cao. Do đó, ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường trở thành lĩnh vực được quan tâm và chú trọng hàng đầu trong công cuộc phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, xử lý các vấn đề môi trường mà còn đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế.
Nhiều cánh cửa nghề nghiệp rộng mở trong tương lai
Với sự tăng trưởng nhanh chóng của các ngành công nghiệp và dân số ngày nay, nhu cầu về chuyên gia trong ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường ngày càng lớn. Vì vậy, nhân lực lĩnh vực này đang được săn đón hơn bao giờ hết.
Từ năm 2020 – 2025, nhóm ngành môi trường sẽ là 1 trong 8 nhóm ngành thu hút nhiều lao động nhất, đặc biệt đối với 2 thành phố lớn: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh là khoảng 10.800 người/năm (Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM)
Những vị trí công việc trên thị trường lao động hiện nay cho sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường rất đa dạng và hấp dẫn. Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư Kỹ thuật Môi trường có nhiều cơ hội việc làm tại các công ty tư vấn thiết kế trong nước và quốc tế về cấp thoát nước, xử lý nước, nước thải, chất thải và khí thải, cũng như các công ty thương mại về thiết bị kiểm soát ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, còn có thể làm việc tại các trung tâm, viện nghiên cứu hoặc giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng.
Tại sao nên học Công nghệ kỹ thuật môi trường ở Đại học Công nghiệp Hà Nội?
Là trường đại học đào tạo khoa học ứng dụng hàng đầu Việt Nam, Đại học Công nghiệp Hà Nội đã trở thành địa chỉ uy tín và tin cậy của người học, doanh nghiệp và xã hội. Để đáp ứng nhu cầu của xã hội, Khoa Công nghệ Hóa đã mở ngành đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường với nhiều thế mạnh:
Chương trình đào tạo tiên tiến: Chương trình đào tạo được áp dụng theo mô hình CDIO (Conceive – Design – Implement – Operate), nhằm giúp người học đáp ứng các yêu cầu của xã hội và các bên liên quan về kiến thức và kỹ năng, giúp phát triển các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng cá nhân, kỹ năng giao tiếp, cũng như kỹ năng thiết kế sản phẩm và quy trình.
Đội ngũ giảng viên: có trình độ cao, giàu kinh nghiệm thực tế, nhiệt tình và thân thiện. Đặc biệt, nhiều giảng viên có học hàm Giáo sư, Tiến sĩ được đào tạo từ các nước tiên tiến như Đức, Nga, Hàn Quốc,…
Sinh viên tham gia kiến tập tại KCN Nam Cầu Kiền
Hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp: Sinh viên đượcthực tập, cọ xát với thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường tại các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực môi trường như KCN sinh thái Nam Cầu Kiền (Thủy Nguyên, Hải Phòng), Công ty cấp nước sạch (Hải Dương), Công ty Vinacontrol, Asenco, Ecoba, và các viện nghiên cứu như Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường. Sinh viên cũng có cơ hội nhận nhiều học bổng như học bổng từ chương trình liên kết của công ty Panasonic, học bổng KOVA, Nitori của Nhật Bản và các học bổng quốc tế khác như Bridgestone, Hyundai Alumina Vina, Honda.
Sinh viên được thực hành trong các phòng thí nghiệm hiện đại
Phòng thí nghiệm và cơ sở thực hành hiện đại: Trang thiết bị được đầu tư trọng điểm, hiện đại vào bậc nhất trong các cơ sở đào tạo công nghệ hóa hiện nay, trong đó, phòng Phân tích và ứng dụng đạt chuẩn ISO 17025
Sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật
Dự án sinh viên khởi nghiệp của Khoa Công nghệ Hóa, Đại học Công nghiệp Hà Nội đạt Giải Nhì - Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia năm 2024
Phát triển nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong sinh viên: Trong những năm qua, sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật Môi trường đã khẳng định danh tiếng, giành những giải thưởng lớn, in dấu ấn trong các cuộc thi khởi nghiệp, kỳ thi olympic Hóa học toàn quốc cùng các kì thi nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp Bộ.
Nhiều câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa sôi nổi
Xây dựng môi trường học tập năng động, nhiều sân chơi bổ ích cho người học: ngoài giờ học chuyên môn còn tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thể thao, tình nguyện và các câu lạc bộ: sinh viên tình nguyện, truyền thông FCT Media, nghệ thuât SOC…
Sự khác biệt trong chương trình đào tạo ngành kỹ sư ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường, Đại học Công nghiệp Hà Nội: Kết hợp kiến thức kỹ thuật, công nghệ và quản lý trong kiểm soát ô nhiễm, vệ sinh môi trường đô thị, công nghiệp và nông thôn; Cung cấp cả kiến thức chuyên môn và kỹ năng; Kiến thức lý thuyết và thực tiễn được cập nhật định kỳ bởi đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm và chuyên môn cao; Cân bằng giữa lý thuyết và thực tiễn qua các môn thí nghiệm, thực hành, thực tập và tham quan thực tế.
Lựa chọn ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường tại Đại học Công nghiệp Hà Nội sẽ là nền tảng vững chắc để các bạn trẻ xây dựng sự nghiệp trong tương lai và góp phần tích cực vào sự phát triển xanh, hướng đến sự phát triển bền vững của cộng đồng và xã hội.