Xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng tại khoa Cơ khí – Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
TS. Nguyễn Văn Thiện - Trưởng khoa Cơ khí
I. Đặt vấn đề:
Chất lượng giáo dục là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội, đặc biệt trong xu thế hội nhập quốc tế. Các cơ sở giáo dục phải tạo ra hay xây dựng cho mình giá trị cốt lõi của văn hóa chất lượng để phát triển bền vững.
Tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội Văn hóa chất lượng được thể hiện rất rõ trong Sứ mạng - Tầm nhìn - Giá trị cốt lõi của Nhà trường:
Hình 1
(* Sứ mạng:Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn, ứng dụng và chuyển giao công nghệ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
* Tầm nhìn: Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là cơ sở đào tạo định hướng ứng dụng, đạt chuẩn quốc gia và chuẩn quốc tế một số lĩnh vực; Là trung tâm nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ uy tín; Là địa chỉ tin cậy cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước và quốc tế.
* Giá trị cốt lõi:Kiên định hướng mục tiêu; Khoa học là định hướng; Khách hàng là trung tâm; Kỹ nghệ làm nền tảng; Kết nối tạo sức mạnh; Khác biệt từ sáng tạo; Kỷ cương để vững bền; Khách quan giữ công bằng.
nguồn: https://www.haui.edu.vn/vn/html/su-mang-tam-nhin)
Để thực hiện Sứ mạng, Tầm nhìn và giá trị cốt lõi của Nhà trường, trong nhiều năm qua khoa Cơ khí đã xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng góp phần vào phát triển bền vững Nhà trường.
II. Xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng tại khoa Cơ khí
Theo định nghĩa của GS.TS. Mai Trọng Nhuận: "Văn hóa chất lượng là thói quen làm cho mọi việc có chất lượng", hay theo tác giả Đỗ Diên, ta có thể hiểu quy trình xây dựng văn hóa chất lượng trong các cơ sở giáo dục được thực hiện theo 6 bước (hình 2), như vậy, văn hóa chất lượng đã được quan tâm và xây dựng tại khoa Cơ khí từ năm 2006:
Hình 2
- Năm 2006 Khoa Cơ khí cùng các đơn vị trong nhà trường xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000;
- Năm 2010 pha 2 dự án JICA đã giúp cho cán bộ giáo viên hiểu về quy trình xây dựng, thực hiện, kiểm tra và cải tiến công việc theo chu trình P-D-C-A;
- Khoa Cơ khí là một trong các đơn vị của trường xây dựng và duy trì công cụ 5S và đã được lan tỏa đến nhiều cơ sở giáo dục tại Việt Nam;
Ngoài các hoạt động theo định hướng của nhà Trường, khoa Cơ khí đề xuất nhiều giải pháp hướng tới văn hóa chất lượng:
+ Xây dựng đề án mở các ngành đào tạo sau đại học, mở thêm các ngành đào tạo đại học trọng điểm, đào tạo những gì xã hội cần, từ đó giúp người học có nhiều cơ hội học tập nâng cao trình độ chuyên môn, học song ngành đáp ứng nhu cầu xã hội;
+ Thay đổi từ hình thức đào tạo niên chế sang hình thức đào tạo theo tín chỉ, giúp sinh viên linh hoạt hơn trong việc lập kế hoạch và lựa chọn phương pháp học tập hiệu quả, chất lượng;
+ Thường xuyên tổ chức khảo sát, lấy ý kiến các bên liên quan về chương trình đào tạo, chất lượng đào tạo và chất lượng các hoạt động, nhằm cải tiến liên tục các hoạt động;
Tuy nhiên, việc xây dựng văn hóa chất lượng không chỉ dừng ở một số hoạt động trên mà xây dựng văn hóa chất lượng thực chất là thiết lập một hệ thống môi trường cho các hoạt động có chất lượng và không ngừng cải tiến chất lượng của tổ chức (hình 3), cụ thể:
Hình 3
* Môi trường học thuật:
- Chương trình đào tạo các ngành của Khoa Cơ khí được xây dựng theo phương pháp tiếp cận CDIO;
- Chương trình chi tiết các học phần định kỳ được cập nhật, điều chỉnh theo sự phát triển của xã hội và qua phản ánh nhu cầu doanh nghiệp;
- Định kỳ hàng năm tổ chức hội giảng cấp khoa và cử giảng viên tham dự hội giảng cấp trường, nhằm trao đổi phương pháp thiết kế bài giảng, phương pháp giảng dạy…
- Các thông tin về đào tạo, Nghiên cứu khoa học thường xuyên được cập nhật trên website của khoa, đảm bảo đầy đủ thông tin và kịp thời đến các bên liên quan;
- Hàng năm gần 100% cán bộ, giảng viên trong khoa tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tham dự các hội thảo, hội nghị khoa học…
- Người học được tạo điều kiện để phát triển kiến thức, kỹ năng trong các hoạt động: Thi Olympic, thi tay nghề, thi Robocon, tham gia NCKH và các câu lạc bộ học thuật…
* Môi trường xã hội:
- Chức năng, nhiệm vụ của Khoa được xây dựng đầy đủ và thường xuyên cập nhật theo nhiệm vụ mới. Trách nhiệm và quyền hạn của ban chủ nhiệm khoa, bộ môn, giảng viên, chuyên viên được phân định rõ ràng và có cơ chế đánh giá chất lượng;
- Hệ thống văn bản để tổ chức, giải quyết công việc được thống nhất và triển khai áp dụng trong toàn khoa;
- Cán bộ, viên chức trong khoa nắm chắc quy chế, hiểu rõ trách nhiệm và quyền hạn của mình, luôn ý thức và cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao đúng kế hoạch và có chất lượng.
* Môi trường nhân văn:
- Khoa Cơ khí tạo điều kiện để các giảng viên phát triển chuyên môn sâu. Triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách và giải pháp để viên chức, người lao động và người học thực hiện đầy đủ, chất lượng và trách nhiệm đối với nhà trường, xã hội;
- Xây dựng tinh thần đoàn kết, gắn kết trong khoa, giữa các bộ môn và với xã hội, cộng đồng;
- Người học được xem là đối tượng được phục vụ, được quan tâm chăm sóc tận tình, chu đáo trong học tập, sinh hoạt và khi giải quyết công việc.
* Môi trường tự nhiên:
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, Nghiên cứu khoa học được đảm bảo về số lượng, chất lượng và được sử dụng tiết kiệm, an toàn, có hiệu quả;
- Các phòng làm việc, phòng thực hành/thí nghiệm thường xuyên được trang bị, bổ sung, cập nhật các thiết bị, công nghệ mới đáp ứng yêu cầu thời kỳ Công nghiệp 4.0;
- Khoa thường xuyên hợp tác với các doanh nghiệp tạo nhiều môi trường cho giảng viên, học viên và sinh viên tham gia học tập và nghiên cứu khoa học.
* Đề xuất một số giải pháp phát triển văn hóa chất lượng tại trường ĐHCNHN
- Cán bộ, giảng viên, nhân viên trong toàn trường cần nâng cao nhận thức hơn nữa về vai trò của văn hóa chất lượng bằng các hoạt động truyền thông, bồi dưỡng kiến thức về văn hóa chất lượng;
- Đưa nội dung phát triển văn hóa chất lượng vào kế hoạch chiến lược dài hạn, trung hạn và hàng năm của Nhà trường;
- Cần xây dựng lộ trình đánh giá các chương trình đào tạo theo chuẩn Quốc gia, chuẩn ABET;
- Đổi mới chính sách thi đua, khen thưởng để khuyến khích phát huy văn hóa chất lượng trong nhà trường;
- Thực hiện thường xuyên, liên tục công tác cải tiến văn hóa chất lượng. Do vậy, nhà trường phải tiến hành triển khai, rà soát lại các tiêu chuẩn chất lượng dựa trên các kết quả hoạt động đạt được. Trên cơ sở đó điều chỉnh hoặc bổ sung các kế hoạch, chương trình hành động theo sự phát triển của nhà trường gắn chặt với sứ mạng và tầm nhìn.
III. Kết luận
Văn hóa chất lượng là hoạt động mang tính hệ thống và liên tục. Xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng là tạo ra những giá trị, những đặc điểm, ưu thế riêng và làm lan tỏa những tác dụng của nó để tác động vào việc thực hiện công việc của các cá nhân, tập thể. Khi văn hóa chất lượng được đặt đúng vị trí, mọi hoạt động của các thành viên, tổ chức đều hướng đến chất lượng thì chắc chắn uy tín và thương hiệu của khoa Cơ khí và Nhà trường sẽ được khẳng định trên một tầm cao mới.