Trang bị kỹ năng tìm việc cho sinh viên năm cuối

Thạc sĩ Nguyễn Giang Nam, giảng viên khoa Sư phạm - Du lịch, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã có những trao đổi thiết thực về kỹ năng tìm việc trong khoá đào tạo ngắn “Kỹ năng tìm việc làm”, được tổ chức vào sáng ngày 18/8/2014 tại hội trường A, khu A.

Ngay khi bắt đầu buổi thuyết trình, thạc sĩ Nguyễn Giang Nam đã có khảo sát nhanh những sinh viên có mặt trong hội trường, trong đó có những câu hỏi đáng quan tâm như: Bạn tìm kiếm công việc từ những nguồn nào?, Bạn viết hồ sơ xin việc như thế nào?, Cách ứng viên gặp gỡ nhà tuyển dụng ra sao… Từ đó, đóng vai một nhà tuyển dụng, thạc sĩ Nguyễn Giang Nam đã phân tích cho các bạn trẻ thấy rằng họ chưa thực sự là những ứng viên sáng giá cho nhà tuyển dụng.

Trang bị kỹ năng tìm việc cho sinh viên năm cuối

Chia sẻ về kỹ năng tìm kiếm nguồn cung cấp công việc, thạc sĩ Nam nhấn mạnh đến việc chọn lọc nguồn thông tin. Lý do là vì phần lớn tìm hiểu công việc mà sinh viên đang lựa chọn chủ yếu được tìm kiếm qua mạng internet. Trong khi đó, mạng internet là công cụ xã hội phổ cập, nguồn tìm kiếm cần phải được kiểm chứng để tránh cho ứng viên rơi vào các trường hợp “tuyển dụng ma”. Theo thạc sĩ Nam, người lao động nên tìm hiểu thêm những bình luận, đánh giá của cộng đồng mạng về những địa chỉ tuyển dụng được cho là thiếu tin cậy.

Trang bị kỹ năng tìm việc cho sinh viên năm cuối

Để chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho công việc, ngay từ khi còn đang học năm thứ ba, sinh viên nên tiếp xúc và tìm hiểu công việc. Thạc sĩ Nam cũng đưa ra bốn lưu ý “sổ tay tuyển dụng” và chín điều cần làm trong lần phỏng vấn trực tiếp.

Sổ tay tuyển dụng:

- Luôn sẵn sàng: Số điện thoại cố định để liên lạc.

- Lập danh sách thông tin từ người quen: Thầy cô giáo, bạn bè, gia đình…

- Luôn cập nhật thông tin công việc từ nguồn chính thống: Báo chí chuyên ngành, các tin tức từ website của doanh nghiệp trực tiếp tuyển dụng.

-Danh sách các nhà tuyển dụng đã được sàng lọc: Danh sách tối thiểu có 5 doanh nghiệp muốn làm việc, sắp xếp theo thứ tự giảm dần mức độ ưu tiên.

Để buổi phỏng vấn đạt kết quả tốt đẹp:

-Đến cuộc phỏng vấn đúng hẹn

-Trong thời gian chờ đợi nên đọc một quyển sách

-Tìm hiểu trước về công ty để có sự chủ động

-Trang phục phù hợp

-Gắn câu trả lời với vấn đề công ty đang quan tâm

-Hoà nhã với người phục vụ

-Năng động và linh hoạt trong chừng mực

-Xác định rõ những dự định trong tương lai (cơ hội thăng tiến, cơ hội học tập)

-Đừng quên cảm ơn sau buổi phỏng vấn (gửi thư)